Ổn định đời sống của người làm nghề rừng

Từ khi triển khai thực hiện chi trả DVMTR đến nay, các đơn vị hưởng lợi từ môi trường rừng Ở Yên Bái đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và đóng hàng chục tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách nhà nước.

Trong 410.000 ha rừng toàn tỉnh Yên Bái, có gần 213.000 ha rừng nằm trong diện cung ứng DVMTR. Toàn tỉnh hiện có 14 nhà máy thủy điện lớn nhỏ đang hoạt động và sử dụng DVMTR thì 13 nhà máy thủy điện và 2 nhà máy nước sạch sử dụng DVMTR và nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh; một nhà máy thủy điện nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam. Tính từ 1/1/2011 đến 1/8/2014, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã thu được hơn 66,7 tỷ đồng, đây chính là nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ phát triển rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có tác động tích cực đến an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân gắn bó với rừng. Ảnh: Viết Tôn


Có thể khẳng định, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn là yếu tố sống còn của các nhà máy thủy điện. Vì vậy, khi Nghị định 99/CP có hiệu lực, các nhà máy thủy điện ở Yên Bái đã thực hiện khá nghiêm túc. Từ năm 2011 đến hết quý II/2014, Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà đã thực hiện chi trả DVMTR với số tiền gần 24 tỷ đồng.

Trong năm 2013, Quỹ phát triển và bảo vệ rừng của Yên Bái đã thu được 61,5 tỷ đồng (bao gồm cả thu ủy thác do Quỹ Trung ương điều tiết) và tiến hành chi trả trên 48 tỷ đồng cho gần 24.000 chủ rừng là các tổ chức, hộ gia đình cung ứng DVMTR. Trước đây, khi chưa có quỹ này, mỗi ha rừng chỉ được chi trả 200.000 đồng/năm, thì nay đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, năm 2013 ở tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, mức chi trả là 300.000 đồng/ha và dự kiến năm 2014 sẽ là hơn 400.000 đồng/ha.

Ông Bùi Khắc Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Văn Chấn khẳng định, thủy điện Văn Chấn cũng như tất cả các nhà máy thủy điện thực hiện bắt buộc và đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn trả rất nghiêm túc và đầy đủ. Hàng tháng, kinh phí môi trường rừng được trả theo lượng điện được phát lên của nhà máy thủy điện Văn Chấn. "Từ khi phát điện đến nay, chúng tôi đã được hoàn trả 3,4 tỷ đồng. Số tiền này đã được chúng tôi nộp vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái để kịp thời đáp ứng được việc hoàn trả môi trường rừng", ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Chi cục Lâm nghiệp, nguồn quỹ này đã góp phần nâng mức giao khoán bảo vệ rừng cho người dân có diện tích rừng đầu nguồn như huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn, góp phần ổn định đời sống của người làm nghề rừng. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại niềm vui cho nhiều bà con các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về công tác bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn thu chính đáng của mình.

Là người được hưởng lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Giàng A Chang ở bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn phấn khởi cho biết, hiện tại gia đình ông cùng 5 hộ khác trong bản đang nhận giao khoán chăm sóc bảo vệ 10 ha rừng phòng hộ. Những năm trước đây, với đơn giá chỉ có 90.000 đồng/ha nên thu nhập hàng năm từ nguồn nhận giao khoán bảo vệ rừng rất ít. Từ khi có chính sách hỗ trợ cộng với nguồn chi trả từ nguồn quĩ dịch vụ môi trường rừng thì mỗi ha đã được chi trả 210.000 đồng, tuy số tiền chưa lớn nhưng cũng đã động viên gia đình ông và các hộ khác làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng. Ông Chang khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu bảo vệ rừng tốt hơn để góp phần bảo vệ môi trường”.

Chính sách chi trả DVMTR đã có tác động lớn đến an ninh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân gắn bó với rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh.
Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Yên Bái cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng bảo vệ rừng của các tổ chức, đơn vị cá nhân đăng ký cung ứng dịch vụ. Căn cứ vào kết quả này, đơn vị sẽ chi trả công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng với mục tiêu giữ vững hệ sinh thái rừng đầu nguồn nói riêng và rừng toàn tỉnh nói chung.

Trung Kiên

Người dân có việc làm, tăng thu nhập
Người dân có việc làm, tăng thu nhập

Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà đời sống của người dân bản Tà Ẻn, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) đang đổi thay từng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN