Ông Trần Đắc Phu: Phải linh hoạt trong tổ chức tiêm chủng

Để tránh tình trạng người dân chen lấn, chờ đợi thâu đêm như tại điểm tiêm chủng Lương Thế Vinh, các điểm tiêm chủng khác cần phải linh hoạt trong khâu thủ tục, tổ chức.

Sự việc hàng trăm người chen lấn, xô đẩy đến ngất xỉu trước điểm tiêm chủng vắc xin tại 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) vào sáng 25/12 đã khiến lực lượng chức năng không thể ngăn cản và quyết định tạm dừng tiêm vắc xin tổng hợp 5 trong 1 Pentaxim. Trước thực trạng trên, ngày 26/12, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

PV: Ngay sau khi nhận được thông tin về điểm tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội), Bộ Y tế đã có những chỉ đạo và hành động cụ thể gì, thưa ông?

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí tại buổi họp báo sáng 26/12. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Ông Trần Đắc Phu: Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia khẩn trương phối hợp với Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin và làm việc với tất cả các điểm tiêm chủng trên Hà Nội để có kế hoạch tiêm chủng cụ thể, khoa học, không để tình trạng mất trật tự, chen lấn như ở điểm tiêm Lương Thế Vinh xảy ra. Do đây là lần đầu tiên phòng tiêm chủng vắc xin tại điểm 182 Lương Thế Vinh tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ nên cách tổ chức chưa khoa học, thiếu hợp lý.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi văn bản chỉ đạo về triển khai tiêm chủng vắc xin dịch vụ. Tuy nhiên trước thực trạng xảy ra tại điểm tiêm Lương Thế Vinh, Hà Nội nêu trên, trong sáng ngày 25/12/2015 Cục Y tế dự phòng cũng đã ban hành công văn số 1695/DP-VX gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin dịch vụ.

Đặc biệt, ngay cuối giờ chiều ngày 25/12, để kịp thời chấn chỉnh công tác tiêm chủng dịch vụ, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì.

PV: Xin ông cho biết để khắc phục tình trạng chen lấn, xô đẩy như điểm tiêm ở Lương Thế Vinh, Bộ Y tế đã có những biện pháp gì?

Ông Trần Đắc Phu: Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản đề nghị tất cả các điểm tiêm chủng phải thực hiện việc tiêm chủng và phân phối cho hợp lý, tránh trùng lặp, tránh tăng giá. Thậm chí, Bộ Y tế còn cung cấp đường dây nóng để người dân thông báo về những trường hợp tiêm không đúng quy định của Bộ Y tế. Thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt. Tuy nhiên khi triển khai tại cộng đồng thì có những vấn đề không mong muốn xảy ra.

Để tránh tình trạng lặp lại như tại điểm tiêm chủng Lương Thế Vinh, biện pháp đầu tiên chính là các điểm tiêm chủng phải linh hoạt trong khâu thủ tục cho các cháu nhỏ đến tiêm.

Người dân Hà Nội chờ đợi lượt đăng ký số tiêm. Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, vướng nhất chính là khâu đăng ký và phương hướng bộ đưa ra là cho người dân dăng ký trên website hoặc đăng ký trực tiếp. Tuy nhiên, dù đăng ký bằng hình thức nào thì cũng phải đảm bảo thuận lợi cho người dân và phải an toàn, trật tự; tuyệt đối không thuê người đi đăng ký. Trong lúc đăng ký, đề nghị người dân không bế trẻ em đi theo bởi vì trời lạnh trẻ dễ mắc các bệnh khác như viêm phổi rất nguy hiểm. Trên cơ sở đăng ký của các gia đình, các cơ sở tiêm chủng phải hẹn lịch tiêm rõ ràng với thời gian cụ thể để người dân không phải chờ đợi, xếp hàng. Tuy nhiên, do lượng vắc xin hạn chế nên sau khi đăng ký, có thể có trẻ sẽ phải tiêm vào đợt sau và cũng có trẻ không có đủ vắc xin để tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu trước khi tiêm, các điểm tiêm phải tổ chức khám sàng lọc, tư vấn đúng theo qui định của Bộ Y tế. Trong quá trình tiêm nếu xảy ra những vấn đề bất cập phải giải quyết ngay, ví dụ như tăng bàn tiêm, tăng cường người hướng dẫn, khám và tư vấn. Đặc biệt, bộ yêu cầu tất cả điểm tiêm dịch vụ tiếp tục tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí đồng thời giải thích cho người dân không nên chờ đợi vắc xin dịch vụ mà có thể tiêm vắc xin Quinvaxem đúng lịch để tăng miễn dịch cho trẻ. Bên cạnh đó, các điểm tiêm phải tăng cường hoạt động theo dõi sau tiêm để có những xử lý kịp thời.

Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra về việc cung ứng, sản xuất vắc xin; chống tăng giá, đảm bảo tiêm an toàn; đúng qui định. Các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo miễn dịch cộng đồng tốt và để người dân không quay lưng lại với tiêm chủng mở rộng.

Trong thời điểm này, Bộ Y tế nghiêm cấm tất cả các hành vi trục lợi, nâng giá tiêm chủng dưới mọi hình thức không theo qui định của Bộ Y tế. Tiêm chủng mở rộng vẫn là số một và tất cả các điểm tiêm chủng vẫn phải thực hiện việc tiêm chủng tốt. Đặc biệt, trong lúc này không vì những thông tin trái ngược làm cho người dân mất niềm tin vào tiêm chủng mở rộng.

Nhiều trẻ em cũng phải theo người lớn xếp hàng chờ đăng ký số tiêm. Ảnh: TTXVN phát

PV: Cục trưởng có thể cho biết cụ thể về tình hình nhập khẩu vắc xin dịch vụ về Việt Nam?


Ông Trần Đắc Phu: Vắc xin dịch vụ hiện rất khó khăn và khan hiếm. Không phải Bộ Y tế cấm nhập khẩu vắc xin mà nhà sản xuất không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nên Việt Nam không nhận được số lượng lớn. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất thay đổi công nghệ, thay đổi địa điểm sản xuất và cũng có những lô vắc xin không đạt phải sản xuất lô khác. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu phải có một số lượng vắc xin dịch vụ nhất định để phục vụ cho một số đối tượng. Đến nay, số vắc xin dịch vụ sẽ được nhập về Việt Nam là gần 200.000 liều.

Hiện nay, tình hình khan hiếm chỉ xảy ra với 2 loại vắc xin là 5 trong 1 và 6 trong 1 (là 2 vắc xin có chứa thành phần ho gà vô bào); còn lại các vắc xin dịch vụ khác vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, không phải vì thiếu 2 vắc xin này mà trẻ em không được tiêm các vắc xin khác tương ứng. Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn cung ứng đầy đủ vắc xin Quinvaxem. Thành phần của vắc xin Quinvaxem tương đương với vắc xin Pentaxim (5 trong 1 dịch vụ).

Theo thống kê của ngành y tế, tại nước ta 1 năm có khoảng 4,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ; còn lại dưới 10% tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1. Thời gian gần đây khi khan hiếm vắc xin dịch vụ thì các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng đã tiêm vắc xin Quinvaxem và đã tiêm được một số lượng lớn.

Trong nghiên cứu cho thấy: Vắc xin Quinvaxem là vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào gây ra phản ứng sốt, thậm chí sốt trên độ C; gây phản ứng đau tại chỗ tiêm, trẻ quấy khóc nhiều hơn vắc xin vô bào. Vì vậy, dẫn đến tâm lý e ngại của các bà mẹ khi cho trẻ tiêm vắc xin này. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng, phản ứng nặng của vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, thậm chí cũng có những rủi ro thấp là tử vong thì cũng giống như vắc xin Quinvaxem.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam luôn đạt trên 90% và có thể những người không tiêm chủng không mắc bệnh nhưng khi miễn dịch cộng đồng giảm xuống 60% thì dịch bệnh sẽ bùng phát. Khi dịch bệnh bùng phát thì những người chưa tiêm chủng sẽ chắc chắn mắc bệnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!


Thu Phương (TTXVN)
Công an sẽ đảm bảo an ninh tại các điểm tiêm chủng
Công an sẽ đảm bảo an ninh tại các điểm tiêm chủng

Đây là thông tin được PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cung cấp trong cuộc họp báo diễn ra sáng 26/12, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN