Trong khi tấm lợp fibroximang rất phổ biến ở các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, ven biển, thì cũng tại những địa phương này, nhận thức của người dân về sự độc hại của loại vật liệu xây dựng này rất thấp.Gần như không biết amiang bị cấmNhóm hợp tác thúc đẩy và phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD) và Trung tâm tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) vừa thực hiện một cuộc khảo sát về việc người dân sử dụng vật liệu xây dựng chứa amiang. Nghiên cứu này được thực hiện tại các xã miền núi và ven biển thuộc hai tỉnh Yên Bái và Thanh Hóa.
Do chưa nhận thức được mức độ độc hại của tấm lợp fibroxinang nên người dân vẫn sử dụng tấm lợp này để xây dựng nhà ở. Ảnh: NGO - IC |
TS, BS Trần Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: trong khi 85% số hộ được khảo sát có dùng fibroximang để lợp nhà, khu phụ, khu chăn nuôi, hàng rào; xấp xỉ 50% dùng để lợp nhà, thì chỉ 1/3 dân chúng có nghe thông tin về amiang.
“Họ chỉ nghe thông tin về một chất mang tên amiang, chứ rất ít biết rằng có amiang trong các tấm lợp mà gia đình mình sử dụng” - ông Trần Tuấn nói. Chỉ 23,6% người dân biết tấm lợp được làm nên từ amiang. Số người từng nghe nói rằng amiang có thể gây ung thư càng ít hơn: 14,8%, số từng nghe nói amiang là độc hại cho sức khỏe và môi trường chỉ là 4,7%. Chỉ 1,3% người được hỏi từng nghe nói thế giới cấm sử dụng amiang trong sản xuất.
“Do không biết được tác hại của amiang tới sức khỏe con người, nên người dân mới sử dụng tấm lợp này trong xây dựng các công trình gia dụng” - ông Tuấn khẳng định. Đó cũng là nguyên nhân khiến tấm lợp này phổ biến trong thời gian qua trên cả nước, nhất là tại những địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế và điều kiện kinh tế còn eo hẹp.
Sự “hồn nhiên” trong sử dụng loại vật liệu có chứa chất độc hại amiang còn thể hiện trong chính quan niệm của nhà quản lý ở địa phương khi cấp phát các tấm lợp này cho các hộ dân nghèo.
Không ít doanh nghiệp lớn khi xây dựng các nhà tình thương, lớp học tình thương để tài trợ cho đồng bào vùng sâu vùng xa, hay những ngôi nhà tạm cho bà con vùng lũ cũng sử dụng loại vật liệu xây dựng này.
“Quên” quyền lợi người tiêu dùngSau khi được biết về tác hại của amiang đến sức khỏe, môi trường và biết được amiang có trong các tấm lợp fibroximang, dù điều kiện kinh tế chưa dư dả, nhưng người dân sẵn sàng chuyển đổi sử dụng loại vật liệu này. Chỉ còn 6% người dân cho biết sẽ tiếp tục sử dụng mái fibroximang nếu lại xây, sửa nhà, còn 66,4% cho biết sẵn sàng thay đổi, thậm chí 77% số hộ sẵn sàng đi vay vốn để thay hoàn toàn các tấm lợp fibroximang mà gia đình đang sử dụng sang vật liệu khác như ngói, bê tông.
“Như vậy, khi được cung cấp thông tin đầy đủ, người dân sẵn sàng chấp nhận thay đổi sang vật liệu không amiang” - TS. BS Trần Tuấn kết luận. Trên thực tế, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng vì được thông tin về sự độc hại của các tấm lợp có chứa amiang, người dân và chính quyền đã bước đầu chuyển sang dùng tấm lợp tôn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm: Quyền đứng vị trí thứ 2 trong 8 quyền của người tiêu dùng là quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa. Khoản 3 điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cảnh báo khả năng hàng hóa có ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Tấm lợp amiang chứa chất amiang có khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người nhưng trên nhãn chưa hề ghi cảnh báo cũng như biện pháp phòng ngừa. amiang nhập khẩu có cảnh báo trên bao bì, nhưng khi lưu thông tại Việt Nam, thì không ghi nhãn bằng tiếng Việt hoặc dịch cảnh báo sang tiếng Việt”.
Theo ông Hùng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực 3 năm nay, song với amiang, không rõ có trường hợp nào đã bị xử phạt chưa, chỉ biết hành vi vi phạm như ông vừa phân tích là vẫn còn tồn tại. Điều này ảnh hưởng tiếp tới quyền lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng.
“Vấn đề bồi thường, không sớm thì muộn, cùng sẽ diễn ra. Mong rằng các đơn vị còn sản xuất những hàng hóa có hại cho sức khỏe con người nói chung và sản xuất tấm lợp chứa amiang nói tiêng cần sớm chuyển đổi công nghệ, để không phải đối mặt với những khiếu kiện, bồi thường, ảnh hưởng tới chính quyền lợi của nhà sản xuất” - ông Hùng khẳng định.
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong văn bản ngày 11/7/2014 gửi Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một trong các ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề amiang là nhận thức của xã hội về tác hại của amiang với sức khỏe con người còn rất thấp. “Chính phủ và các tổ chức xã hội cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và minh bạch các thông tin liên quan tới sử dụng và sản xuất các sản phẩm có chứa amiang” - văn bản này kiến nghị.
Hòa Thái