Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lĩnh vực lao động, việc làm, tạo việc làm mới, giải quyết thất nghiệp là do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước; tuy nhiên, vấn đề tạo việc làm còn phụ thuộc vào môi trường sản xuất kinh doanh, nếu sản xuất không phát triển thì cũng không tạo được việc làm mới.
Tuy nhiên có một thực tế là số liệu nhu cầu việc làm, số việc làm mới hiện nay Bộ LĐTBXH vẫn lấy qua Tổng cục Thống kê. Bộ LĐTBXH cũng chưa nắm được cụ thể, chính xác số liệu việc làm. Chính vì vậy, con số việc làm mới đưa ra chưa được người dân tin tưởng. “Bộ LĐTBXH quản lý hành chính về lĩnh vực này phải nắm được số liệu cụ thể về lao động việc làm. Bộ phải xây dựng được hệ thống dữ liệu về việc làm của mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2016, một trong những điểm nổi bật của ngành lao động là việc đưa lao động đi xuất khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, lĩnh vực này phải tiếp tục chấn chỉnh nghiêm, nếu không thị trường xuất khẩu lao động sẽ không bền vững. “Mới đây, tôi đã ký văn bản gửi bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu rà soát các đơn vị cử du học sinh, lưu học sinh, thực tập sinh sang Nhật Bản, làm sao để người Việt Nam không còn là số người vi phạm pháp luật Nhật Bản nhiều nhất. Đây không chỉ là vấn đề hình ảnh của đất nước, mà nếu không chấn chỉnh nghiêm thì thị trường lao động tốt như Nhật Bản sẽ không bền vững. Điều này thấy rõ khi nhìn vào thị trường Hàn Quốc, sau nhiều nỗ lực chúng ta mới mở lại được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Trong năm 2016, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển thị trường xuất khẩu lao động; trong đó, đã đàm phán, ký kết và triển khai Bản ghi nhớ bình thường với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) sau 4 năm tạm ngừng; trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hợp tác lao động Việt Nam - Malaysia và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận lao động Việt Nam - Thái Lan.
Bộ cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; triển khai các biện pháp chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh sang làm việc Nhật Bản, lao động giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút…
Năm 2016, toàn ngành đã giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu người, tăng 1% so với năm 2015; trong đó, tạo việc làm trong nước cho hơn 1,5 triệu người; xuất khẩu lao động trên 126.000 người, đạt 126% kế hoạch và tăng 9,6% so với thực hiện năm 2015.
Một số địa phương có số lao động đi làm việc ở nước ngoài cao như: Nghệ An trên 16.600 người, Hải Dương trên 14.200 người, Hà Tĩnh trên 11.000 người, Thanh Hóa và thành phố Hồ Chí Minh trên 10.000 người); một số thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Đài Loan (Trung Quốc) trên .000 người, Nhật Bản gần 40.000 người, Hàn Quốc gần 8.500 người, Ả rập – xê út trên 4.000 người...