Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều cho rằng, môi trường làm việc cần phải hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao thì mới tận dụng hiệu quả năng lực của những thạc sĩ, tiến sĩ trở về sau khi đi du học.
Tìm được công việc phù hợp là ước mơ của những trí thức trẻ. Ảnh: Hà Thái - TTXVN |
Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): Cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn
Đứng ở góc độ phân tích thị trường lao động thì tình trạng người có bằng cấp cao phải làm trái ngành, trái nghề đã phản ánh những bất cập trong đào tạo hiện nay. Chúng ta thiếu thông tin dự báo về nhu cầu lao động, hiện chưa có một hệ thống dự báo đưa ra những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu, khu vực nào cần nhiều lao động, các khu công nghiệp đang cần bao nhiêu lao động hoặc những ngành nghề nào có thu nhập cao và tố chất cơ bản đối với ngành nghề đó là gì… Bên cạnh đó, bản thân người lao động chưa tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường để theo học những ngành nghề phù hợp. Do đó, việc lựa chọn ngành nghề của các em vẫn mang tính cảm tính, nhiều khi theo phong trào hoặc chịu sức ép từ gia đình… nhiều.
Điểm đáng lưu ý là việc “trọng bằng cấp” tại khu vực công cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng lựa chọn ngành nghề thời thượng và đua nhau học thạc sĩ, tiến sĩ. Kết quả là hàng năm, lực lượng lao động lại tiếp đón thêm vài trăm thạc sĩ thất nghiệp, chấp nhận làm những công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn nhiều so với năng lực được đào tạo, hoặc chấp nhận thất nghiệp vì kén chọn công việc phù hợp với trình độ của bản thân…
Trong khi đó, tại doanh nghiệp, bằng cấp chỉ là một yếu tố trong tuyển dụng, vấn đề quan trọng là người đó có làm được việc hay không. Các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng những người tốt nghiệp cao đẳng nghề nhưng làm được việc còn hơn là tiến sĩ ngồi bàn giấy. Bởi vậy, chúng ta rất cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn để người lao động, doanh nghiệp và xã hội định hướng hiệu quả hơn trong công tác đào tạo - tuyển dụng.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga: Cần môi trường làm việc hấp dẫn hơn để giữ cán bộ
Việc các tiến sĩ khi du học về khu vực công làm việc, sau đó phải rời vị trí là một điều đáng tiếc. Đối với những tiến sĩ đi theo học bổng của Đề án 322 hay Đề án 911 làm hồ sơ gửi lên Bộ GD - ĐT, Bộ là cơ quan xét duyệt hồ sơ. Trong công văn gửi người dự tuyển các khóa học được hỗ trợ học bổng của Nhà nước, các cơ quan đã cam kết bố trí sử dụng và quản lý lưu học sinh về nước.
Đây thực sự là một thách thức với cơ quan sử dụng lao động, đòi hỏi họ cần có chính sách hoặc môi trường làm việc hấp dẫn hơn để giữ cán bộ ở lại làm việc. Về lâu dài, các cơ quan nhà nước cũng sẽ phải cạnh tranh nhau để có cán bộ tốt. Nếu được như vậy thì rõ ràng những người tài giỏi được đào tạo bài bản sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn.
Trong ngành giáo dục, Bộ GD - ĐT luôn khuyến khích đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Chất lượng, uy tín của mỗi trường đại học sau này sẽ phụ thuộc vào việc đưa ra các công trình nghiên cứu khoa học ở nhà trường, những bài báo quốc tế… Hiện nay, các đại học trọng điểm như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân… thường xuyên tạo điều kiện để các GS, TS, ThS được tham gia nghiên cứu khoa học. Đây cũng là cách tạo thêm thu nhập cho họ. Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho những ứng viên xuất sắc đi du học.
Xuân Minh - Lê Vân