Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam Lê Văn Hiệp cho biết, để thực hiện phương án nhà vệ sinh tại các bệnh viện, trường học, nơi công cộng, khu vực nông thôn và miền núi, công tác quản lý và vận hành đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra giải pháp khắc phục, phục vụ tốt nhất cho người dân, bảo đảm dự án hoạt động hiệu quả và bền vững.
Theo đó, các giải pháp bao gồm: Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu suất, đảm bảo dự án hoạt động ổn định; thành lập ban kiểm tra, thanh tra đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn các mô hình khối du lịch ASEAN đang thực hiện; đào tạo nhân lực tư vấn, thiết kế, quản lý khoa học, cấp chứng chỉ cho người vận hành hệ thống; nghiên cứu các thiết bị thông minh hỗ trợ người dùng…
Với chủ trương khuyến khích người dân sử dụng nhà vệ sinh, tiếp cận mô hình nhà vệ sinh văn minh, ông Lê Văn Hiệp cho biết, giải pháp đưa ra là xã hội hóa đầu tư từ nhiều nguồn kinh doanh tiện tích văn minh như: Máy bán nước tự động; quảng cáo ứng dụng công nghệ; cho thuê quảng cáo; cho thuê vị trí đặt trụ ATM; kinh doanh phòng tắm, giặt sấy tự động; kinh doanh nước giải khát, ẩm thực… Bên cạnh các giải pháp về cơ chế thu, quỹ đất xây dựng…, ông Lê Văn Hiệp nhấn mạnh, để dự án sớm đi vào hoạt động cần có sự quyết liệt, chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt các cấp chính quyền nhằm hướng đến sự bền vững, hiệu quả của các mô hình nhà vệ sinh công cộng. Từ đó, người dân được tiếp cận thường xuyên với môi trường vệ sinh văn minh, sạch sẽ, an toàn.
Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất, tình trạng nhà vệ sinh tại các gia đình và công cộng ở Việt Nam đã có bước tiến bộ lớn nhưng vẫn chưa đạt chuẩn so với các nước phát triển. Nhà vệ sinh trong các trường học, bệnh viện đã được sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhưng phần lớn chưa đạt chuẩn; thiếu nhà vệ sinh công cộng; thiết kế, xây dựng chưa đạt chuẩn vệ sinh, nước thải; vận hành, quản lý không tốt… Nguyên nhân chính của tình trạng trên do nhận thức chưa đầy đủ; thiếu nguồn lực; cơ chế huy động vốn từ xã hội còn khó khăn; chưa quy định cụ thể việc xây dựng, vận hành, khai thác nhà vệ sinh công cộng trong các đề án xây dựng, phát triển đô thị, cải tạo cơ sở vật chất; vướng các quy định về đất đai, quyền kinh doanh, phí dịch vụ…
Các ý kiến thảo luận vấn đề lựa chọn địa điểm, lĩnh vực để xây dựng nhà vệ sinh công cộng; tiêu chuẩn, quy chuẩn mô hình; các phương án huy động nguồn lực ngân sách nhà nước, cộng đồng, xã hội hóa…; đồng thời thống nhất cần có đề án, chương trình xây dựng, có cơ chế, giải pháp xây dựng và vận hành hiệu quả nhà vệ sinh công cộng, hợp vệ sinh theo chuẩn của ASEAN.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu việc rà soát quy định liên quan đến việc xây dựng các công trình vệ sinh công cộng cũng như các tiêu chí đảm bảo sức khỏe do Bộ Y tế xây dựng năm 2011. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ cần rà soát lại quy định, tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực quản lý trong việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng; đồng thời nghiên cứu xây dựng, ban hành hướng dẫn quy trình vận hành, khai thác hiệu quả nhà vệ sinh công cộng; cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề nhà vệ sinh công cộng. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam xây dựng và trình Thủ tướng chương trình tổng thể về nhà vệ sinh, bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.