Chưa được nhiều doanh nghiệp công bố nhưng chuyện mức thưởng Tết năm nay không khá hơn năm ngoái là điều đã được lường trước.
Chị Thái Hiền, công nhân làm việc trong khu chế xuất Linh Trung (TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Trong năm mình cố gắng làm việc thật chăm chỉ để cuối năm lĩnh thưởng. Mọi năm bằng giờ này công ty đã công bố mức thưởng Tết nhưng năm nay vẫn chưa thấy nói gì. Chưa thông báo thưởng Tết nên chưa thể có kế hoạch chi tiêu mua sắm gì cả”.
Công nhân làm việc trong Công ty TNHH Hamyco. |
Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên nhiều dự đoán cho rằng, mức thưởng Tết sẽ không khá hơn mọi năm. Công ty TNHH Miwon Việt Nam hiện có trên 1.100 lao động. Như mọi năm, công ty này thưởng Tết cho công nhân viên mỗi người một tháng “lương cứng”. Người thấp nhất cũng được 1 triệu đồng. Ông Bùi Đình Thắng, Giám đốc kế hoạch và Nhân sự của công ty cho biết, tình hình chung, thưởng Tết năm nay nhỏ giọt và khó bằng được như năm 2010.
“Năm nay, lạm phát tăng cao, việc sản xuất của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Việc doanh nghiệp trụ lại được đã là nỗ lực lớn rồi. Còn thưởng Tết thì giữ được bằng năm ngoái cũng còn khó!”, ông Thắng ái ngại.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng nhận định: “Nhìn chung, thưởng Tết năm nay khó mà bằng năm ngoái”.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, qua khảo sát của phóng viên, đa số các doanh nghiệp đang cân nhắc để có mức thưởng hợp lý. Các công ty vẫn cố gắng đưa ra mức thưởng Tết thấp nhất là một tháng lương và hỗ trợ các hoạt động khác cho người lao động đón một cái Tết tươm tất. Ông Trần Bình Sơn, Giám Đốc Công ty Việt Thành cho biết: “Công ty vẫn cố gắng thưởng 1 tháng lương cho nhân viên. Bên cạnh đó, hỗ trợ thêm quà Tết cho nhân viên”.
Công ty TNHH Gia Hồi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất may mặc với 600 công nhân viên. Anh Ninh Đức Thành, Phó Giám đốc cho biết: “Năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng tình hình sản xuất của công ty vẫn không giảm. Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch thưởng Tết cho công nhân và mức thưởng Tết cơ bản vẫn là một tháng lương và hỗ trợ tiền xe về quê đón Tết cho người lao động”.
Theo đại diện phòng nhân sự công ty TNHH Một thành viên Kỳ Thắng, đối với công nhân làm việc ở ngành giày da và ngành may mặc vào dịp cuối năm, công nhân hay “nhảy” việc nên nhiều công ty cũng lên kế hoạch mức thưởng Tết cao hơn để giữ chân công nhân làm việc và đưa ra những chính sách hỗ trợ như quà Tết, vé tàu xe về quê đón Tết. Hiện nay, bên cạnh việc áp dụng mức lương cơ bản do nhà nước đưa ra cho các doanh nghiệp thì công ty còn trả cao hơn từ 200 – 300 ngàn mức lương cơ bản đưa ra và còn các mức phụ cấp khác nhằm giữ chân người lao động ở lại với công ty.
Trong khi nhiều lao động mong ngóng đến chuyện thưởng Tết, quà Tết thì không ít người được tin bị sa thải. Chị H., là một trong những người vừa phải nhận quyết định thôi việc của Công ty tài chính Handico Hà Nội (HAFIC). Chị H. cho biết, công ty đã thông báo cắt giảm nhân sự cách đây khoảng 1 tháng nhưng đến giữa tháng 12 mới có danh sách. Chẳng những không được thưởng Tết, còn bị mất việc vào những ngày này.
Không riêng HAFIC, khó khăn là tình hình chung các doanh nghiệp đang gặp phải. Chuyện hàng chục ngàn doanh nghiệp tuyên bố giải thể, phá sản là một minh chứng rõ nhất cho tình hình này. Thống kê từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, tính đến hết tháng 11/2011, đã có 14.000 người lao động đến đăng ký thất nghiệp. So với năm ngoái, con số này tăng gấp 4 lần. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, việc tăng số người đăng ký thất nghiệp là một trong những hệ quả của việc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Mặc dù chưa có thông tin cụ thể về chuyện thưởng Tết nhưng ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH cho rằng, cần giám sát tránh để tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ thưởng dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động.
Bài và ảnh: Mạnh Minh - Đan Phương