Quang cảnh buổi làm việc. |
Đây là một trong các nội dung mà Bộ LĐTBXH báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Bộ LĐTBXH vào ngày 19/5.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Bộ LĐTBXH quan tâm, làm rõ về 8 vấn đề: Chính sách người có công, công tác dạy nghề, lao động tiền lương, tình trạng xâm hại trẻ em, quản lý đối tượng nghiện, an toàn lao động, xuất khẩu lao động và công tác tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.
Đối với nội dung về đối tượng hưởng sai chính sách người có công, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết, qua thanh tra tại các quân khu, địa phương từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Bộ kiến nghị thu hồi hưởng sai chính sách Nhà nước 74 tỷ đồng. Hiện mới thu hồi được 1/6 số tiền trên, còn lại rất khó khăn trong việc thu hồi số tiền trên.
Việc thu hồi khó khăn do hồ sơ này chủ yếu được cơ quan quân đội xác lập. Về nguyên tắc, cơ quan nào xác lập hồ sơ có sai sót thì cơ quan đó chủ trì thu hồi. “Tuy nhiên, việc thu hồi lại giao cho ngành LĐTBXH chủ trì nên sức mạnh thu hồi giảm đi. Bên cạnh đó, có những đối tượng hưởng sai chính sách được lập hồ sơ lập cách đây 30-40 năm, nay đối tượng đã mất. Cũng có đối tượng hiện bị bệnh hiểm nghèo hoặc thuộc hộ nghèo, nên nếu thực hiện thu hồi sẽ đẩy họ vào còn đường nghèo khổ.”, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.
"Về nguyên tắc đã hưởng sai phải thu hồi và thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, do đó tôi đề xuất với Tổ công tác của Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ là đối với hộ nghèo, bị bệnh hiểm nghèo, đã mất thì ủy quyền giao cho Bộ trưởng Bộ LĐTBXH không thu hồi đối tượng này", ông Nguyễn Tiến Tùng kiến nghị
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: “Qua đợt tổng rà soát người có công năm 2014-2015, có khoảng 28.500 trường hợp kê khai để được hưởng chính sách. Những trường hợp này có thể đủ điều kiện nhưng cũng có thể không đủ điều kiện. Trong số này có 5.900 trường hợp đề nghị công nhận là thương binh, liệt sĩ. Day dứt nhất là còn 200.000 trường hợp chưa tìm thấy hài cốt và 300.000 trường hợp chưa xác định danh tính. Sau khi Bộ LĐTBXH làm thí điểm tại 5 tỉnh thành, đã đưa ra quy trình xác định 3 đối tượng đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương bình và người hưởng chế độ tiêu chuẩn như thương binh. Qua triển khai thí điểm 5 tỉnh thành đã công nhận 86 trường hợp, trong đó 75 trường hợp liệt sĩ. Từ việc áp dụng mô hình thí điểm này, Bộ LĐTBXH đang chỉ đạo các địa phương triển khai đại trà tại các tỉnh thành".
Đối với một trong hai nhiệm vụ mà Bộ chưa hoàn thành là ban hành quy trình giám định ADN xác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo Cục người có công, việc chủ trì giao cho Bộ LĐTBXH nhưng thực hiện lại là Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng); trong khi quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là vấn đề mang tính khoa học, công nghệ và là vấn đề mới, phức tạp, trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng, do có một số lý do khách quan nên tới nay vẫn chưa hoàn thành. Bộ đang chỉ đạo Cục Người có công phối hợp với Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) giải quyết dứt điểm việc bàn giao hồ sơ nghiên cứu Đề tài để tiếp tục thực hiện nghiên cứu, ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo quy định.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng: “Riêng vấn đề giám định gen của 300.000 liệt sĩ chưa xác định danh tính cần làm khẩn trương và khoa học. Tuy nhiên, việc thực hiện do Cục Khoa học quân sự làm nên không chủ động được thời gian. Tôi sẽ làm văn bản đề nghị Thủ tướng giao đích danh việc giám định này cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để chỉ đạo trực tiếp đơn vị thực hiện,có như vậy mới thúc đẩy nhanh việc này”.