Phát hiện sớm để giảm tử vong vì bệnh tay chân miệng

Ngày 25/5, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến tại 20 điểm cầu với sự tham gia của đại diện 39 tỉnh, thành phố có số ca mắc và tử vong cao do dịch bệnh tay chân miệng để tìm giải pháp nhằm giảm số ca mắc và tử vong trong những tháng cuối năm.

 

Chưa xác định được quy luật của dịch tay chân miệng


“So với cùng kỳ năm 2011, số ca tay chân miệng (TCM) trên toàn quốc từ đầu năm đến nay tăng 10,2 lần, tử vong tăng 1,7 lần. Riêng tháng 5 có 6.569 ca mắc, trong đó có 6 ca tử vong. Như vậy, đến nay cả nước đã ghi nhận 46.277 ca mắc tại 63 địa phương, trong đó có 27 ca tử vong”, TS Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.


 

Cán bộ y tế dự phòng khám, lấy mẫu bệnh phẩm và hướng dẫn cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại xã Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Theo thống kê, khu vực miền Bắc có số ca mắc TCM cao nhất với 21.694 ca (chiếm 46,9% số ca mắc của cả nước); tiếp đến là miền Nam với 16.029 ca (chiếm 34,6% số ca mắc của cả nước). Thế nhưng, ngay các chuyên gia dịch tễ cũng chưa thể lý giải được vì sao từ đầu năm đến nay, tại miền Bắc chưa ghi nhận một ca tử vong nào, ngược lại tại miền Nam lại có tới 23 ca tử vong, chiếm 85,5% số ca tử vong trên toàn quốc.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại về diễn biến bất thường của dịch TCM trong thời gian tới. Bởi lẽ, cho đến nay chúng ta chưa xác định được quy luật của dịch TCM. Hàng năm, đỉnh dịch TCM thường tập trung vào tháng 9 nhưng năm nay số ca mắc đã xuất hiện từ đầu năm và tăng đột biến ngay từ tháng 4 với 14.930 ca mắc, sang tháng 5 thì dịch lại có dấu hiệu chững lại. Năm nay, tỷ lệ mắc virút EV71 cũng tăng cao, nếu năm trước tỷ lệ ca nhiễm EV71 chỉ khoảng 20% thì năm 2012 là 80 - 90% (các trường hợp tử vong năm 2012 gần như đều do EV71). Trong khi đó, dịch TCM lại đang có xu hướng lan rộng và tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc...

 

Phát hiện sớm để giảm tử vong


Để giảm số ca mắc và tỷ lệ tử vong trong thời gian tới, PTS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng ngành y tế cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm điều trị hiệu quả đối với các trường hợp bệnh nặng để rút kinh nghiệm giữa các địa phương. Bên cạnh đó, các tỉnh cần chú trọng thực hiện tốt hơn nữa Hướng dẫn giám sát, điều trị TCM của Bộ Y tế. “Muốn phòng chống dịch hiệu quả thì phải chủ động giám sát, làm tốt công tác nghiên cứu, điều tra. Nhưng thời gian qua, các đơn vị chưa thực hiện đúng mẫu phiếu điều tra về các ca bệnh”, ông Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh.


Hiện tại, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế nghiên cứu kỹ hơn về vi rút EV71 để có đánh giá tốt hơn về cấu trúc phân tử của virút, cũng như sự liên quan của virút này đến khả năng lây truyền và mức độ nặng của bệnh.


Liên quan đến hiệu quả của công tác điều trị, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, khẳng định: “Thực tế cho thấy, công tác phát hiện bệnh sớm, xác định chính xác mức độ nặng của bệnh nhân để điều trị kịp thời là rất quan trọng. Do đó, các tỉnh cần lưu ý trong vấn đề chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, nếu không đủ trang thiết bị thì nên chuyển bệnh nhân sớm vì khi đã có biến chứng tim mạch, hô hấp thì việc điều trị sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, các BV cũng cần chú ý đến công tác chống nhiễm khuẩn, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến bệnh có thể diễn biến nặng thêm, kéo dài ngày điều trị và nguy cơ tử vong cao”.


Bà Trịnh Thị Lý, đại diện Sở Y tế TP Hải Phòng, cho hay: “bí quyết” để giúp Hải Phòng không xảy ra tử vong dù có số ca mắc TCM cao nhất toàn quốc thời gian qua cũng chính là ở phương châm “Phát hiện sớm, điều trị kịp thời”. Từ cuối năm 2011 đến nay, tại Hải Phòng, trung bình mỗi tuần có 200 - 250 ca, tuần cao điểm có tới 400 ca TCM. Nhưng nhờ đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện bệnh sớm nên trong khoảng 4.000 ca mắc thì có khoảng 2.000 ca được phát hiện ở giai đoạn đầu của bệnh (độ 1) và chỉ có 119 ca nặng (độ 2b trở lên). Bởi vậy, bệnh nhân được điều trị rất kịp thời, hạn chế được biến chứng và không xảy ra tử vong.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện BV Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Nếu y tế cơ sở phát hiện bệnh sớm, xử lý bệnh tốt từ giai đoạn đầu của bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm; nhưng nếu phát hiện khi bệnh nặng, phải qua lọc máu, hồi sức... thì tính mạng của bệnh nhân là “ngàn cân treo sợi tóc”.


Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung quyết liệt giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh TCM.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN