Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Hướng tới xây dựng Đô thị Cố đô Di sản ​

Ninh Bình từng là cố đô của 3 triều đại phong kiến Đinh, Tiền Lê, Lý; một trong những cái nôi văn hóa của vùng Đồng bằng Bắc Bộ với nhiều phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt, tỉnh là địa phương duy nhất ở Việt Nam và cũng là số ít trong khu vực sở hữu danh hiệu di sản kép: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Với những đặc trưng, thế mạnh riêng có, Ninh Bình đang tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống đó trong quá trình xây dựng nông thôn mới hướng tới xây dựng đô thị Cố đô di sản. 

Sức mạnh văn hóa vùng đất Cố đô

Chú thích ảnh
Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN phát

Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ người dân Ninh Bình luôn dựa vào hình sông, thế núi hiểm trở, cần cù lao động, sản xuất, mở rộng không gian sinh tồn, anh dũng, quật cường trong chiến đấu chống ngoại xâm, góp phần cùng quân và dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách. Mỗi tên đất, tên làng, ngọn núi, con sông nơi đây đều gắn liền với hình ảnh những người con tuấn kiệt của quê hương và đi vào sử sách, thơ ca, sống mãi trong lòng dân tộc.
 
Trải qua những biến động của trời đất, thăng trầm của lịch sử dân tộc, Ninh Bình ngày nay còn lưu giữ rất nhiều di sản vật thể và phi vật thể làm nên nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng đất Cố đô, trở thành tài sản, nguồn lực vật chất, tinh thần quan trọng của tỉnh, của quốc gia, quốc tế. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhấn mạnh việc "Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị di sản". Để biến những chủ trương, quan điểm đó thành hành động thiết thực, khơi nguồn cho văn hóa phát triển, nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể đã được triển khai.
 
Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã triển khai Đề án "Xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025" và Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021 - 2030". 

Từ năm 2021 đến nay, Ninh Bình đã đầu tư hơn 132 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh  đã xây dựng hồ sơ đề nghị đưa Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô) và Nghề cói Kim Sơn (huyện Kim Sơn); Nghề thêu ren Ninh Hải (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) và Ẩm thực Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, Sở phối hợp các đơn vị xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Nghệ thuật Chèo đồng bằng Sông Hồng.
 
Ngành Văn hóa và Thể thao phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành một số chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm như: Tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 90%; khu dân cư văn hóa đạt 92%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 80%; xã, phường có nhà văn hóa đạt 98,5%; khu dân cư có nhà văn hóa đạt 97%; có 20 - 25 di tích được tu bổ, tôn tạo hằng năm; 40 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia từ năm 2021 đến năm 2025; hoàn thành "Dự án bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ học và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư"... 

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, với địa hình đa dạng cùng bề dày lịch sử, văn hóa, tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, Ninh Bình là một trong 3 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước có di sản thế giới.
 
Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An đã được ghi nhận là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
 
Hiện, địa bàn tỉnh có 77 làng nghề, đa phần các làng nghề sở hữu bề dày lịch sử văn hóa cùng cảnh quan đặc sắc, có truyền thống lịch sử hàng trăm năm, hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm hơi thở quê hương gắn với đời sống cộng đồng dân cư.
 
Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tạo nên cốt cách riêng của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách; đồng thời mang đầy đủ đặc trưng của con người Việt Nam "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới được xác định là phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển.

Khơi dậy nội lực văn hóa

Chú thích ảnh
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hơn 12 năm qua của tỉnh Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh, sự vào cuộc hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và người dân, với nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, linh hoạt, có lộ trình cụ thể, đến nay Chương trình đã đạt được những thành quả to lớn. Hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, trật tự xã hội được giữ vững là tiền đề quan trọng thu hút đầu tư phát triển kinh tế nông thôn.

Toàn tỉnh có có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, có 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 396 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện và 17 xã đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thẩm tra đề nghị Trung ương thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 03 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021-2025.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để khơi dậy nội lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/11/2021 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đang chứng minh sự đúng đắn mà các giải pháp được tỉnh triển khai. 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, ở Ninh Bình, các hình thức sản xuất nông nghiệp rất đa dạng và phong phú với nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền riêng, có nhiều lợi thế cạnh tranh, tiềm năng phát triển thành các sản phẩm đặc trưng, hướng tới sản phẩm OCOP. Địa bàn tỉnh có nhiều nét văn hóa nghệ thuật truyền thống (hát Chèo, hát Xẩm, hát dân ca Mường,...), nhiều lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống,.... Địa phương đang tiếp tục giữ gìn và phát huy rất hiệu quả các giá trị truyền thống đó trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, nhất là du lịch nông thôn. 

Trong xu thế hội nhập, phát triển và thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng đô thị Cố đô - Di sản với không gian lịch sử, văn hóa đặc trưng là Cố đô Hoa Lư.
 
Đối với xây dựng nông thôn mới. tỉnh phấn đấu khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh với những nét đặc trưng trong đời sống, văn hóa truyền thống đã làm nên bản sắc của con người vùng đất Cố đô, kết hợp với cảnh sắc nông thôn tươi đẹp của vùng di sản mà thiên nhiên đã ban tặng để trở thành lợi thế riêng có, nguồn tài nguyên phong phú thúc đẩy du lịch phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Xây dựng đô thị Cố đô - Di sản với không gian lịch sử văn hóa đặc trưng của Cố đô Hoa Lư không chỉ là nguồn lực, mà còn tạo động lực mạnh mẽ  tạo sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời nâng tầm vị thế của Ninh Bình trên con đường hội nhập và phát triển bền vững. 

Hải Yến (TTXVN)
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới - Bài 2: Điểm nhấn từ những thiết chế văn hóa hiện đại
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới - Bài 2: Điểm nhấn từ những thiết chế văn hóa hiện đại

Nhận thức rõ vai trò của thiết chế văn hóa hiện đại trong đời sống nhân dân, tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị, góp phần xây dựng thương hiệu địa phương, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng nhiều thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc. Điều này không chỉ tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị mà còn góp phần bồi đắp các giá trị tinh thần, định hình và giữ vững bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư, tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN