Phát huy phong trào 'Đồng khởi' trữ nước mưa, nước ngọt

Ngày 4/3, Đoàn khảo sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên địa bàn tỉnh cũng như công tác ứng phó của địa phương.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát thực tế tình hình hạn mặn tại xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Sinh - Trưởng ban Phong trào, Trưởng đoàn khảo sát ghi nhận nỗ lực của tỉnh Bến Tre trong việc triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Đoàn khảo sát đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre cần đúc kết những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai phong trào "Đồng khởi" trữ nước mưa, nước ngọt trong nhân dân từ năm 2016 đến nay. Qua đó, đề ra phương hướng tiếp tục vận động phong trào trữ nước trong mùa hạn mặn trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Văn Sinh, sau buổi làm việc, đoàn khảo sát sẽ đề xuất với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương có phương pháp hỗ trợ tỉnh Bến Tre trong công tác phòng chống hạn mặn trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Chú thích ảnh
Chiến sĩ công an huyện Mỏ Cày Bắc phụ giúp người dân lấy nước vào thùng. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, năm nay hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra gay gắt và nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Tỉnh đang gặp khó khăn kép là vừa phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa phải phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, khả năng tỉnh còn phải đối mặt khoảng 3 tháng nữa với hạn hán, xâm nhập mặn cho đến khi mùa mưa bắt đầu. Vì vậy, địa phương rất cần sự hỗ trợ của Trung ương trong việc ứng phó với hạn mặn, đồng thời có giải pháp hỗ trợ tỉnh đưa nước từ thượng nguồn về để phục vụ cho các nhà máy và cung cấp nước thô cho nhân dân sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Phúc Linh cho hay, hiện nay hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng hệ thống cấp nước tập trung đều bị ảnh hưởng của hạn mặn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 57.000 hộ với 205.000 nhân khẩu sống xa trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, trên các cù lao, cồn sông Hàm Luông, sông Tiền, sông Cổ Chiên, cặp theo các trục kênh rạch sâu trong ruộng vườn thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Chú thích ảnh
Người dân xã Thạnh Ngãi (huyện Mỏ Cày Bắc) được cấp nước ngọt miễn phí. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Thực hiện phong trào "Đồng khởi" trữ nước mưa, nước ngọt do Tỉnh ủy phát động từ năm 2016 đến nay, 100% hộ dân của tỉnh đã có dụng cụ trữ nước; trong đó có 339.312 hộ cận nghèo và 5.019 hộ thuộc diện gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn có đủ dụng cụ trữ nước. Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, sản xuất không thuận lợi một số hộ tái nghèo nên toàn tỉnh hiện còn 4.962 hộ thiếu dụng cụ trữ nước. Do vậy, tỉnh Bến Tre kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét hỗ trợ dụng cụ chứa nước cũng như bình nước uống để giúp các hộ nghèo phòng, chống hạn mặn.

Theo ông Nguyễn Phúc Linh, tỉnh Bến Tre tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tận dụng ao, hồ, mương vườn, đắp đê bao cục bộ, hồ xi măng, bạt, túi nilon… để trữ nước ngọt. Đặc biệt là vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tạo nước ngọt, chia sẻ nguồn nước, cung cấp nước ngọt đảm bảo. Riêng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự trang bị thêm dụng cụ chứa nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động xã hội hóa để hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí, đảm bảo mỗi nhà phải có đủ dụng cụ chứa nước ngọt đáp ứng được sinh hoạt trong mùa hạn mặn.

Công Trí (TTXVN)
Liên minh châu Âu giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam  
Liên minh châu Âu giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam  

Để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra, tác động tới các khu vực của Đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam, Liên minh châu Âu đã cung cấp 60.000 EUR (tương đương khoảng 1,5 tỉ đồng) viện trợ nhân đạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN