Từ sau năm 1975 đến nay, công cuộc giải quyết hậu quả chiến tranh đang được tiến hành khẩn trương trên cả nước, trong đó có vấn đề bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Với số lượng rất lớn, ước tính khoảng 800.000 tấn còn tồn sót, đang gây ô nhiễm trên diện tích đất đai khoảng 6,6 triệu ha, tính mạng con người bị đe dọa nghiêm trọng, số người bị tai nạn chết và bị thương do tai nạn bom mìn vật nổ rất lớn (bị thương 62.163 người, bị chết 42.135 người) đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: Hội đã trải qua nhiệm kỳ thành công trên nhiều mặt, khắc phục khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19, tình hình thiên tai, bão lũ để duy trì thường xuyên những chương trình ý nghĩa, thiết thực. Các cơ quan chức năng của Hội đã phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với các hội, chi hội địa phương để duy trì hoạt động đúng nề nếp, triển khai thực hiện theo đúng Nghị quyết, chương trình đã đề ra.
Đến nay, Hội có lực lượng lớn được thành lập tại các địa phương và đi vào hoạt động hiệu quả gồm: 2 Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh thành tại TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và 17 chi hội trực thuộc Trung ương Hội gồm: 5 Chi hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn khu vực thành phố Hà Nội và 12 chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn các tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum.
Trong nhiệm kỳ, Hội đó vận động và kết nạp được gần 1.500 hội viên đăng ký tham gia sinh hoạt, hơn 80% người có trình độ đại học và trên đại học và trong đó có khoảng 15% hội viên có học vị, trình độ GS, PGS, TS, nhiều tướng lĩnh sỹ quan cấp cao quân đội, cán bộ nhà nước.
Bằng những hoạt động hiệu quả và thiết thực, Hội đã khẳng định được uy tín, niềm tin và trở thành một địa chỉ tin cậy, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế. Hội đã tiến hành 28 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân trên địa bàn 21 lượt/tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn.
Đến nay, tổng số người đã được hỗ trợ sinh kế của Hội là 5.600 người, với tổng số số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong đó có hơn 300 gia đình nạn nhân bom mìn các tỉnh được hỗ trợ 1 con bò sinh sản/gia đình. Trên 5.100 người được hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: Tặng nhà tình nghĩa (35 triệu đồng/ nhà), hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ từ 7- 15 triệu đồng/ người)... Hỗ trợ quỹ “Nâng bước em đến trường” 290 triệu đồng, trao tặng hàng ngàn sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh các Trường dân tộc nội trú và 3.500 cuốn sách truyện tranh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho thiếu nhi và học sinh trường học các địa phương.
Hoạt động của Hội ngày càng mở rộng, khẳng định uy tín, vị trí vai trò của Hội, tiếp tục góp phần mang lại cuộc sống bình yên và phát triển cho đất nước và người dân.