Phát triển đối tượng BHXH bắt buộc: Cần giải pháp căn cơ

Năm 2019 được coi là năm bản lề thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) theo Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Vì vậy, để hướng tới 100% người lao động tham gia BHXH, các bộ ngành, địa phương phải có giải pháp căn cơ.

Kết quả tích cực

Theo ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), Luật BHXH đã quy định: định kỳ cơ quan LĐ-TB&XH, Thuế, KH-ĐT chia sẻ thông tin dữ liệu về số doanh nghiệp (DN), tình hình sử dụng lao động (SDLĐ) trong các DN để cơ quan BHXH đối chiếu làm cơ sở cho công tác thu. Năm 2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 102 về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương. Nghị quyết này đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chức năng đẩy mạnh quản lý tốt đối tượng cũng như buộc các DN trên địa bàn phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy định đóng BHXH cho người lao động (NLĐ)…

Chú thích ảnh
Đối tượng có hợp đồng lao động đóng BHXH liên tục mở rộng trong năm qua.

Ông Đinh Duy Hùng- Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cũng nhấn mạnh, phát triển đối tượng tham gia BHXH là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của ngành BHXH. Thời gian qua, số người tham gia BHXH tăng hằng năm, nếu tính 5 năm trở lại đây (từ năm 2014), số người tham gia BHXH tăng bình quân hơn 5,8%/năm.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam xác định năm 2019 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW nên đã tập trung tham mưu về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sớm giao kế hoạch thu để BHXH các địa phương chủ động thực hiện; Thành lập các Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam cũng luôn theo dõi, kiểm tra, nắm bắt tình hình thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... Do đó, năm 2016, tỉ lệ tham gia BHXH đạt 24,6% tổng số lao động; năm 2017 tăng lên 25,8%; năm 2018 tăng lên 26,58% và dự kiến năm 2019 đạt trên 31% lực lượng lao động…

Nhận định về những nỗ lực của ngành BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, với tốc độ tăng số lao động tham gia như trên, khả năng cao BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW là đến năm 2021 đạt khoảng 35% và đến năm 2025 đạt 45% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Hướng tới mục tiêu lâu dài

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, mặc dù các cấp, các ngành đã chú trọng vào cuộc, song thực tế hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Bởi hiện vẫn còn nhiều DN NVV chưa đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ; tỉ trọng DN tham gia BHXH chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số DN đang hoạt động (năm 2018 cơ quan BHXH quản lý thu 327.000/610.000 DN- chiếm 53,61% số DN). Số người hưởng chế độ BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, ông Lợi cho rằng, cần phải xử lý nghiêm hành vi cố tình trốn đóng BHXH theo Bộ luật Hình sự; Công đoàn cơ sở phải tích cực đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho NLĐ; cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý đến nơi đến chốn những trường hợp cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH. Đặc biệt, Chính phủ phải tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 93 về việc cho NLĐ hưởng chế độ BHXH 1 lần theo Điều 63 Luật BHXH nhằm bảo đảm an sinh cho NLĐ.

Ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chỉ rõ: Con số hơn 283.000 DN đang hoạt động nhưng chưa đóng BHXH là con số rất lớn, nếu không siết chặt quản lý sẽ là khó khăn lớn cho thực hiện mục tiêu BHXH bắt buộc. Kinh nghiệm của Trung Quốc là tất cả các DN không đóng BHXH sẽ bị phạt tiền, nếu vẫn không chấp hành thì phong toả tài sản và đây là kinh nghiệm tốt Việt Nam có thể học hỏi.

Trong khi đó, theo BHXH Việt Nam, để mở rộng vững chắc diện bao phủ hướng tới BHXH toàn dân, cần thay đổi nhận thức về đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Cụ thể, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương) thay vì chỉ quy định áp dụng đối với người có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ 1 tháng trở lên như trong Luật BHXH hiện hành. Bởi thực tế quan hệ lao động có thể được thông qua HĐLĐ hoặc được thoả thuận bằng văn bản, không bằng văn bản. Nếu quy định phải có HĐLĐ mới thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH thì vừa không phát triển BHXH được hết số lao động, lại vừa tạo “lỗ hổng” để NLĐ và chủ SDLĐ dừng ký HĐLĐ để chuyển sang thoả thuận bằng hình thức khác nhằm trốn đóng BHXH.

Bên cạnh đó, đối với khu vực không có quan hệ lao động (lao động tự sản xuất kinh doanh, không thuê mướn lao động và cũng không làm thuê cho chủ SDLĐ khác) có thu nhập tương đối ổn định và đang chấp hành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước theo quy định thì cần được bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Cơ quan BHXH cũng đề nghị rà soát tổng thể hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam để tích hợp, mở rộng quyền lợi hưởng cho người tham gia trên cơ sở thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng- hưởng, chia sẻ, công bằng, bền vững; Nghiên cứu, thiết kế và xây dựng các gói BHXH linh hoạt, nghiên cứu và thiết kế mức đóng- hưởng dựa trên các nguyên tắc trên để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu BHXH toàn dân.

 

Diệu Linh/Báo Tin tức
Bộ LĐ-TB&XH chính thức thông tin vụ việc 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt tại Bắc Kạn
Bộ LĐ-TB&XH chính thức thông tin vụ việc 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt tại Bắc Kạn

Sáng ngày 5/12, Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chính thức gửi thông tin về vụ việc 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt tại Bắc Kạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN