Phát triển giao thông Hà Nội xứng tầm

Nhiều chiến lược, chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước ta nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đều xác định Hà Nội là trái tim, đầu não chính trị, trung tâm hành chính quốc gia về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trong đó lĩnh vực giao thông đóng vai trò quyết định. Trong bối cảnh giao thông đô thị Hà Nội vẫn còn nhiều “bộn bề”, để phát triển, các cấp, bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến thành phố cần phải có những hiến kế đột phá và tư vấn phản biện cho quy hoạch phát triển bền vững lĩnh vực này, xứng tầm cho tương lai, làm “bàn đạp” để Hà Nội có tầm vóc khu vực và thế giới.

Đường vành đai 3 (giai đoạn 1) dài 10,24 km, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, góp phần giải tỏa sức ép giao thông cho nội đô Hà Nội và kết nối chuỗi các khu công nghiệp, khu đô thị từ Bắc Thăng Long - Nội Bài đi qua Mỹ Đình, Mễ Trì Hạ, Nam Trung Yên xuống đến Linh Đàm, Định Công. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Song hành với những giải pháp đề xuất “nóng” để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), tai nạn giao thông (TNGT) của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đối với Hà Nội như thay đổi giờ làm, phân luồng giao thông, gấp rút hoàn thành những công trình hạ tầng trọng điểm…, TP Hà Nội cũng đang ráo riết thực hiện phát triển mạng lưới hạ tầng khung về giao thông để cải tạo bộ mặt giao thông Thủ đô ngay từ năm 2012 -năm thiết lập trật tự kỷ cương giao thông, chống UTGT trên phạm vi cả nước.

Khảo sát của ngành GTVT Hà Nội cho thấy, đến nay mạng lưới GTVT Thủ đô đã phát triển nhưng thiếu và chưa đồng bộ. Thực tế, sau khi hợp nhất và mở rộng địa giới hành chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải thời gian qua đã có những bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và quá trình CNH - HĐH. Hàng loạt các công trình giao thông quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Phùng; nút giao thông Kim Liên; các đường Vành đai 3, Lê Văn Lương kéo dài, quốc lộ 32, trục phía Bắc Hà Đông... Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông phục vụ kết cấu hạ tầng khung khác đã được khởi công xây dựng như: Cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân-Nội Bài, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, Vành đai 1, 2, quốc lộ 1, 3, 6... đã góp phần cải thiện rõ rệt năng lực của mạng lưới hạ tầng GTVT, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần hạn chế tình trạng UTGT đô thị.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hóa cao, GTVT Hà Nội cũng đang phải chịu một sức ép lớn trước sự gia tăng về nhu cầu đi lại, mật độ dân số và phương tiện cá nhân, trong khi mạng lưới vận tải không theo kịp. Sự mất cân đối về mật độ dân cư giữa khu vực nội đô và ngoại thành đã và đang dẫn đến sự quá tải ở nhiều khu vực, khiến nhiều tuyến đường luôn trong trong tình trạng UTGT cục bộ, kéo dài, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Ngoài ra, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đối với thủ đô đang trên đà phát triển và hội nhập, chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của thủ đô. Nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học trăn trở với giao thông thủ đô xác định là do kết cấu hạ tầng GTVT thiếu một quy hoạch tổng thể và đồng bộ để phát triển; kết cấu hạ tầng GTVT còn thiếu quá nhiều; vận tải hành khách công cộng chưa phát triển. Do đó, để khắc phục những bất cập này, Hà Nội cần tới nhu cầu vốn trong 5 năm tới (từ 2011-2015) khoảng trên 153.700 tỷ đồng để tạo đột phá. Nguồn vốn này đã được đề xuất, trình Chính phủ dành từ các nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách thành phố, vốn xã hội hóa, vốn ODA và trái phiếu Chính phủ...

Để tạo đột phá mạnh mẽ phát triển giao thông bằng kế hoạch đầu tư mạnh, đầu tư trọng điểm, trong điều kiện kinh phí đầu tư còn hạn hẹp và thắt chặt thu chi ngân sách, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Hà Nội sẽ ưu tiên lựa chọn những công trình giao thông cấp bách, có vai trò quan trọng, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Hà Nội là giảm UTGT và TNGT trên địa bàn; đồng thời từng bước làm thay đổi căn bản bộ mặt GTVT của thành phố theo mục tiêu quy hoạch đề ra là đến năm 2030, mật độ đường giao thông chính phải đạt từ 3,5 - 5 km/km2, tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 20 - 26% quỹ đất... Ngoài việc tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, Hà Nội cũng sẽ tập trung và giám sát việc thực hiện theo định hướng quy hoạch chung đã phê duyệt về việc phát triển không gian đô thị một cách hợp lý, hạn chế sự tập trung dân cư vào khu vực đô thị trung tâm để hạn chế UTGT và đảm bảo ATGT khu vực nội đô.


Tại hội thảo "Phát triển bền vững giao thông đô thị Hà Nội" được tổ chức tại Hà Nội mới đây, PGS.TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã nêu ý kiến: Để giao thông Thủ đô phát triển bền vững, quy hoạch cần đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại tới khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Trên cơ sở đó, giao thông đô thị Hà Nội cần phải đảm bảo được 3 mục tiêu: Về kinh tế, thiết lập được một hệ thống giao thông hỗ trợ tốt cho việc phát triển kinh tế đô thị và chi phí hợp lý; về khía cạnh xã hội, hệ thống giao thông phải đảm bảo quyền đi lại cho mọi đối tượng trong xã hội và về khía cạnh môi trường, phát triển giao thông không gây ô nhiễm, đảm bảo vấn đề về bảo vệ môi trường. Do đó, ngay từ bây giờ Hà Nội cần có lộ trình phát triển giao thông trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng ngoài việc xây dựng và cải tạo hệ thống giao thông đô thị mới và hiện có, cần chú trọng phát triển giao thông công cộng, hạn chế các phương tiện cá nhân có động cơ, khuyến khích sử dụng phương tiện năng lượng sạch, phát triển giao thông tĩnh, bố trí lại không gian cho người đi bộ…

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: UTGT, TNGT hiện nay ở Việt Nam là hệ lụy của rất nhiều sự ách tắc trong tư duy và cung cách quản lý, thiếu một tư duy chiến lược mang tính tổng thể, có tầm nhìn xa về quy hoạch đô thị gắn với giao thông. Đặc biệt, các địa phương lân cận xung quanh hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chưa xứng tầm "vệ tinh", vừa không nâng được chất lượng sống của địa phương, vừa gây áp lực nhiều mặt lên hai đô thị lớn. Do đó, để phát triển giao thông đô thị xứng tầm cho tương lai, các giải pháp đột phá thực hiện ngay từ năm 2012 sẽ được triển khai quyết liệt, đồng bộ, dựa trên quy hoạch mang tính tổng thể và triển khai từng bước đi phù hợp.

Nguyễn Tiến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN