Lao động thiếu kỹ năng nghề khiến doanh nghiệp phải đào tạo lại đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Do đó, cần có sự đột phá trong công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng quá trình tái cơ cấu kinh tế.Khát lao động kỹ thuậtCùng với việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất và việc ứng dụng công nghệ mới, tiến tiến ngày càng tăng trong sản xuất đòi hỏi nguồn nhân lực phải nâng cao chất lượng, tăng về số lượng. Hiện tại, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở nước ta còn thấp, chiếm khoảng 35%, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài “khát lao động kỹ thuật” ngày càng trầm trọng.
Công tác đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. |
Ông Trần Xuân Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ: Hiện trên thị trường lao động ở Việt Nam, tuy cung lao động khá dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được nhân sự để đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ. Tình hình thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu lao động trong từng nhóm ngành nghề. Nhưng ngược lại, nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đảm bảo được yêu cầu tuyển dụng, đặc biệt là kỹ năng. Tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động thể hiện rõ ở ngành nghề như: khoa học và kỹ thuật, công nghệ thông tin... Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Ngoài ra, sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề đã dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc.
“Việc tuyển dụng lao động kỹ thuật có trình độ cao của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện được kế hoạch tuyển dụng lao động của mình. Chẳng hạn đối với lao động có trình độ cao đẳng kỹ thuật, tính bình quân, các doanh nghiệp chỉ tuyển được khoảng 45% so với nhu cầu cần tuyển. Một số nghề ở trình độ này đạt tỷ lệ tuyển dụng thấp như nghề in, xuất bản (31%), tin học ứng dụng (l,9%), dệt may (44%)... Một số doanh nghiệp lớn đang thu hút nhiều lao động nhưng cũng khó tuyển được lao động kỹ thuật cao. Chẳng hạn, nghề đang khó tuyển nhất là nguội chế tạo 34%, cắt gọt kim loại đạt 43,8%...”, ông Trần Xuân Ngọc chia sẻ.
Tình trạng doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động kỹ thuật có chất lượng đang là vấn đề bức xúc hiện nay đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp. Một thách thức khác là thể lực, tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp hóa, tính kỷ luật lao động của lao động Việt Nam cũng yếu so với lao động trong khu vực. Có nhiều đối tác nước ngoài sang Việt Nam tuyển lao động đi xuất khẩu phải phỏng vấn, sơ tuyển 3 - 4 người mới chọn được 1 người đạt yêu cầu (về thể lực, chiều cao, cân nặng, tay nghề).
Xét trên cả quy mô cho thấy, người học không mặn mà với học nghề. Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề chưa được tốt. Thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 2,5 - 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, rất thấp so với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 10 - CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị là “... năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề...”. Theo Tổng cục Dạy nghề, giai đoạn 2011 - 2015, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được gần 12.000 người, chỉ đạt khoảng 70% so với kế hoạch. Điều này cho thấy không chỉ chất lượng mà cả số lượng cũng không đạt.
Ông Đặng Xuân Hoan, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhận định: Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu kinh tế, vấn đề đào tạo nhân lực góp phần giải quyết vấn đề năng suất lao động thấp so với khu vực và thế giới, tiết kiệm sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đào tạo nghề cho lao động đáp ứng cả số lượng và chất lượng đáp ứng quá trình CNH - HĐH, đô thị hóa cũng phát triển cân bằng giữa các vùng miền. Do đó, cần có sự đột phá trong chuyển đổi về công tác dạy nghề để đáp ứng nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.
Cần có sự vào cuộc của doanh nghiệpTheo ông Đặng Xuân Hoan, phải có doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ trực tiếp quá trình đào tạo. Kiến thức kỹ năng của người lao động trong doanh nghiệp luôn thay đổi do sự phát triển của khoa học công nghệ. Vì thế, các cơ sở đào tạo nghề cần có sự đóng góp ý kiến để thiết kế chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, đặt hàng cơ sở đào tạo, cử chuyên gia tham gia chấm điểm, đánh giá chất lượng đầu ra của người học.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) - xếp thứ 11 trong 12 nước ở Châu Á được tham gia xếp hạng. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam liên tục giảm (năm 2013 xếp thứ 70 trong 148 quốc gia và nền kinh tế tham gia xếp hạng, tụt 5 bậc so với năm 2006). Nếu chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện thì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gặp khó khăn. |
Hiện đã có một số doanh nghiệp lớn thành lập cơ sở đào tạo nghề để có thể tranh thủ tận dụng trang thiết bị, năng lực của các chuyên gia sẵn có. Đại diện các trường nghề đều khẳng định, muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải có mối liên kết với doanh nghiệp, thỏa mãn nhu cầu khách hàng theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường. Dù biết liên kết với doanh nghiệp là tất yếu nhưng chưa có chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp tham gia nên nhà trường tiếp cận xuống doanh nghiệp rất khó khăn. Do đó hoàn thiện mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trước để nhân rộng. Bên cạnh đó điểm yếu rõ nhất hiện nay là chất lượng số lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Điều này dẫn đến đảm bảo chất lượng cho đào tạo còn quá yếu. Đại diện trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Nhà trường tổ chức kết hợp đào tạo với sản xuất ngay tại xưởng trường, nhận sản phẩm sản xuất, gia công chế phù hợp với nội dung đào tạo và trình độ của học sinh, sinh viên. Nhờ đó, đến hơn 80% có việc làm ngay đúng với chuyên ngành được đào tạo. Đặc biệt là các nghề thuộc nhóm ngành cơ khí và điện - điện tử 100% sinh viên được các doanh nghiệp đặt hàng khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Giáo sư Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, cho rằng: Tái cơ cấu nền kinh tế phải tái cơ cấu nhân lực. Trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, tỷ lệ lao động nông nghiệp phải giảm. Hiện nay, chúng ta có khoảng 70% lao động nông dân nhưng theo kinh nghiệm các nước công nghiệp thì tỷ lệ này không quá 15%. Vậy thì làm thế nào để một số lớn nông dân chuyển sang nghề phi nông nghiệp nhưng vẫn ở lại nông thôn để thực hiện công nghiệp hóa. Do đó, chuyển dịch cơ cấu lao động cần chuyển đổi cơ cấu đào tạo cho tương thích.
Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: Đào tạo nghề đang từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng nhanh tỷ lệ người học được đào tạo nghề trong các doanh nghiệp và tại nơi làm việc. Một số trường trong quá trình giảng dạy và thi tốt nghiệp, các cơ sở đào tạo đã mời các chuyên gia ở các doanh nghiệp tham gia giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học sinh - sinh viên. Một số trường đang tổ chức thí điểm đào tạo theo mô hình “đào tạo nghề kép” của Đức, Thụy Sỹ trong đó nội dung cốt lõi là gắn đào tạo trực tiếp với doanh nghiệp, trong thời gian tới sẽ tổng kết, đánh giá để nhân rộng mô hình này.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, đến năm 2015, cần có 55% lao động phải qua đào tạo, đến năm 2020 có 70% lao động qua đào tạo. Chính phủ đã phê duyệt đề án đổi mới công tác dạy nghề trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, thời gian tới, sẽ tăng cường mua thiết bị, giáo trình và đào tạo giáo viên để đáp ứng được yêu cầu công nghệ trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Bộ LĐTBXH đã quy hoạch, phê duyệt 40 trường chất lượng cao và trong đó có 10 trường đạt chuẩn quốc tế.
Đào tạo nghề hướng tới đào tạo các ngành công nghệ và chất lượng cao để hội nhập với ASAN. Đồng thời, đổi mới phương pháp tổ chức đào tạo, không chạy theo số lượng mà đảm bảo chất lượng. Bộ LĐTBXH sẽ đề xuất có chính sách cụ thể, trong đó có những quy định hỗ trợ doanh nghiệp để họ tham gia dạy nghề.
Xuân Minh