Nông nghiệp công nghệ cao là hình mẫu trong nông nghiệp đô thị. TP Hồ Chí Minh với những tiềm lực có sẵn về khoa học kỹ thuật cao, nguồn nhân lực được đào tạo tốt và rất nhiều lợi thế về thị trường…, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi tất yếu, đặc biệt là đối với chính sách phát triển nông thôn mới. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố cần phải tổ chức lại sản xuất thì mô hình này mới phát huy hiệu quả bền vững.
Hiệu quả từ nông nghiệp đô thị
Bắt đầu hoạt động từ năm 2010, Khu nông nghiệp công nghệ cao là một minh chứng cho chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp đô thị cho TP Hồ Chí Minh. Nhiều đề tài nghiên cứu và nhiều mô hình đã được triển khai, ứng dụng và được chuyển giao cho nông dân từ những nghiên cứu bước đầu này.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng nấm dược liệu đem lại lợi ích kinh tế lớn cho nông dân tại các xã xây dựng nông thôn mới. |
Theo ông Lê Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, thành phố đã xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững. Thành phố cũng ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với những giải pháp đồng bộ khác, việc ứng dụng công nghệ cao công nghệ sinh học góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp thành phố.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp là 4,6%. Giá trị sản xuất/ ha sản xuất nông nghiệp nếu như năm 2008 là 117 triệu đồng/ha thì năm 2012 đạt 239 triệu đồng/ha. Nhiều loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao được đưa vào sản xuất. Ví dụ như với hoa, cây kiểng, diện tích sản xuất tăng 1,5 lần nhưng giá trị sản xuất đã tăng 2,7 lần. Tương tự với rau, diện tích sản xuất tăng 1,5 lần, giá trị sản xuất tăng 5 lần; bò sữa tăng 1,3 lần nhưng giá trị tăng 2,7 lần. Sản xuất nông nghiệp theo hướng này đã giúp cải thiện đời sống cho nông dân.
Thành phố cũng đã xây dựng nhiều giải pháp để phát triển, củng cố kinh tế tập thể, đặc biệt là ở các xã nông thôn mới, để nâng cao năng lực, vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Trong đề án xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp và ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ cao chỉ phát huy hiệu quả khi có hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như hợp tác xã, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và quy mô sản xuất phù hợp.
Ông Lê Ngọc Đức, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao cho biết, ngoài việc khảo nghiệm các giống cây, triển khai tập huấn, đào tạo chuyển giao công nghệ cho nông dân, cán bộ kỹ thuật, nhiều dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao đã phát huy hiệu quả rất tốt. Trong năm 2013, các doanh nghiệp đã sản xuất và cung cấp cho thị trường hơn 14 tấn hạt giống một số loại cây chất lượng cao, doanh thu đạt hơn 98 tỷ đồng. Nếu năm 2012, lao động nông nghiệp của thành phố có khoảng 85,8 nghìn người với năng suất lao động bình quân 79,6 triệu đồng/lao động/ năm thì năm 2013, lao động nông nghiệp chỉ còn 78,7 nghìn người, nhưng năng suất bình quân tăng lên 98,6 triệu đồng/lao động/năm.
Cần tổ chức lại sản xuất
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, nông nghiệp thành phố chưa chuyển biến mang tính đột phá. Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là việc tổ chức sản xuất chưa hiệu quả.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Lê Minh Dũng cho rằng, trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Căn nguyên là do hình thức sản xuất vẫn chưa theo kịp với đà phát triển, quy mô sản xuất còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp còn hạn hẹp và thị trường đầu ra cho nông sản chưa ổn định.
Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người nông dân TP Hồ Chí Minh. |
Theo ông Dũng, muốn nền nông nghiệp phát triển cần có hình thức tổ chức phù hợp. Đó là mô hình kinh tế tập thể, để tạo ra một khối lượng sản phẩm đủ lớn, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Quy mô nông hộ như hiện nay khó có thể ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất. Nếu chúng ta có một vùng sản xuất rộng thì việc áp dụng khoa học công nghệ cao sẽ thuận lợi hơn. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp đối với bà con nông dân còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư cho nông nghiệp lại chưa nhiều, thị trường nông sản trong nước bị phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới. Ngành nông nghiệp cũng xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ bà con trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm… nhưng quy mô sản xuất hạn chế nên việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón - Môi trường phía Nam cho biết: Nông nghiệp đô thị phải tận dụng tối đa ưu thế của đô thị, riêng việc thành phố có dân số 10 triệu dân đã là một ưu thế rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thành phố lại là trung tâm của các cơ quan nghiên cứu khoa học, công nghệ. Đây cũng chính là một ưu thế cho ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện thì thành phố chưa có nền nông nghiệp công nghệ cao thực sự. Hai vùng nông thôn lớn nhất của thành phố là Cần Giờ và Bình Chánh hiện chưa có khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chưa có dáng dấp của vùng nguyên liệu. Hiện trạng sản xuất tại hai khu vực này vẫn rời rạc, nhỏ lẻ, chưa có khu sản xuất tập trung.
TS Nghĩa cho rằng, thành phố cần một “nhạc trưởng” để tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố có mục tiêu tốt, có những chính sách đầu tư tốt, nhưng còn thiếu sự liên kết, tập hợp các lợi thế để phát huy các tiềm năng đang có. Ngành nông nghiệp cần phải tổ chức lại từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, phân loại sản phẩm tiêu thụ tươi, tiêu thụ chế biến. Như vậy, thành phố phải có kế hoạch, quy hoạch lại nền nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa cho từng vùng, từng vụ, từng loại sản phẩm cho từng thời điểm phù hợp với nhu cầu thị trường. Cán bộ nông nghiệp phải hướng cho nông dân trong việc chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào và cả đầu ra cho sản phẩm, để nông dân hiểu được vấn đề, thấy được cái lợi, cái ổn định khi tham gia áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán canh tác và bảo đảm có lợi nhuận cao.