Phát triển thành phố sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậu

Các đô thị ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế xanh đang là vấn đề bức thiết của hầu hết các đô thị. Vấn đề này được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đô thị năm 2012 với chủ đề “Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động hôm nay” do Bộ Xây dựng phối hợp với Diễn đàn đô thị Việt Nam và tổ chức Liên minh các thành phố thế giới (CA) tổ chức tại Hà Nội ngày 30/10.

 

Thách thức lớn


Hiện Việt Nam có 762 thành phố, thị xã và thị trấn, trong đó có 2 TP đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, hơn 20 đô thị lớn, vừa và hàng trăm đô thị nhỏ với tốc độ đô thị hóa cao. Sự phát triển của các đô thị Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, tác động biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính...


 

Chợ Thủ Dầu Một (TP.HCM) ngập sâu trong nước triều cường. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Hà Nội là một trong những đô thị lớn nhất nước, đặc biệt từ sau năm 2008, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng với diện tích trên 3.000 km2 với dân số trên 6,5 triệu người. Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ rõ: Với tốc độ phát triển nhanh chóng, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh như: Tăng dân số cơ học, quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhà ở xã hội ở nội đô…

 

Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng do khí thải các cơ sở sản xuất, khói bụi các phương tiện giao thông…Vì vậy, quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã xác định xây dựng thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, phát triển kinh tế song song với phát triển đô thị xanh, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển kinh tế.


Theo đánh giá của TS. KTS Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, nhiều đô thị của Việt Nam chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu to lớn. Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích ĐBSCL, trên 10% diện tích vùng ĐBSH có nguy cơ bị ngập. Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và 7% dân số TP.HCM bị ảnh hưởng trực tiếp. Như vậy, biến đổi khí hậu sẽ có tác động thường xuyên đến cả 7 vùng khí hậu chính của Việt Nam là Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.


TP.HCM là một trong 2 đô thị lớn nhất Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng lớn của triều cường. Nếu mực nước biển dâng 1,0 m thì TP.HCM sẽ là đô thị lớn nhất bị ảnh hưởng với 43% diện tích đe dọa sẽ bị ngập vĩnh viễn, hơn 12% dân số TP.HCM bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Các đô thị trung bình, nhỏ tại vùng trung du miền núi và Tây Nguyên có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá.


Trước tình hình đó, các đô thị cần lựa chọn những hành động hợp lý để ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

 

Phát triển thành phố sinh thái


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Trước những thách thức đang đặt ra với các đô thị, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến chiến lược phát triển hệ thống văn bản pháp luật cho việc phát triển đô thị xanh tại Việt Nam. Đặc biệt là xây dựng chiến lược giúp đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cần phát triển hài hòa giữa các vùng, cần có cơ chế chính sách, tạo sự liên kết giữa các vùng trong cả nước để có sự phát triển bền vững. Để đạt được điều này, cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp trong quá trình phát triển đô thị.


Theo PGS. TS Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, đô thị sinh thái đã và đang được nghiên cứu, áp dụng ở nhiều quốc gia, phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh là lựa chọn mang tính chiến lược cho sự phát triển bền vững và là xu thế đang diễn ra trên toàn thế giới. Vì vậy việc tìm kiếm mô hình thích hợp cho đô thị Việt Nam theo hướng đô thị sinh thái và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu là rất cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.


Theo Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái (IES) để đánh giá đô thị sinh thái bao gồm các tiêu chí: Cơ cấu đô thị, sử dụng đất và kiến trúc đô thị; giao thông đô thị với các thứ tự ưu tiên là giao thông đi bộ, xe đạp, thang vận, giao thông công cộng bằng xe điện hoặc tàu điện ngầm, xe bus rồi mới đến ô tô con; sử dụng năng lượng có thể tái tạo như năng lượng gió, mặt trời…; đảm bảo yêu cầu về kiến trúc, chỗ ở cho người dân; nông nghiệp phát triển; chính sách quản lý…


Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp cấp bách thực hiện kế hoạch trước mắt và lâu dài nhằm đưa đô thị Việt Nam phát triển một cách bền vững. Cần tăng cường áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, quản lý đô thị thích ứng và giảm thiểu rủi ro với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, cần tăng cường năng lực tư vấn và quản lý rủi ro thiên tai của biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hoạt động quản lý đô thị ven biển, các khu kinh tế tập trung ven biển, đóng góp mọi nỗ lực phát triển bền vững các đô thị Việt Nam và kết nối với toàn cầu. Cần có sự hợp tác quốc tế và phối hợp với địa phương rà soát các đồ án quy hoạch vùng, xác định những vùng ưu tiên ven biển để thí điểm áp dụng những kinh nghiệm quốc tế cho các giải pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.


Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của cả cộng đồng. Ông Nguyễn Thế Thảo ­nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội nói riêng và các đô thị Việt Nam trong quá trình phát triển còn rất nhiều khó khăn và trở ngại. Cần có sự thống nhất, hợp tác giữa các ban, ngành và hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Tương lai của đô thị Việt Nam phụ thuộc vào hành động của chúng ta từ hôm nay và sự đồng thuận của cả cộng đồng.


Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN