Phóng viên: Xin Tổng giám đốc cho biết trong những năm qua, quá trình xây dựng TTXVN thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia đã được thực hiện như thế nào và đạt kết quả ra sao?
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi: Phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng là xu hướng chung trên thế giới hiện nay. TTXVN những năm gần đây đã có những bước đi cụ thể, và trên thực tế đã trở thành một cơ quan thông tấn đa phương tiện, phát triển tất cả các loại hình báo chí: Báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, truyền thông đa phương tiện và sách. Với đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại, TTXVN không ngừng củng cố vị thế và sức mạnh tổng hợp của một cơ quan thông tấn cung cấp thông tin nguồn cho các cơ quan báo chí trong nước và thế giới, đồng thời cung cấp trực tiếp thông tin tới công chúng.
TTXVN đã sớm hình thành mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện có nhiều loại hình thông tin khác nhau. Với 16 đơn vị thông tin gồm 5 ban biên tập tin nguồn (Trong nước, Thế giới, Đối ngoại, Kinh tế và Ảnh), 8 tòa soạn gồm cả báo in và báo điện tử, tạp chí (VietnamPlus, Tin tức, Thể thao & Văn hóa, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh Việt Nam, Thời báo Việt-Hàn, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi), Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Trung tâm thông tin Tư liệu và Đồ họa và Nhà xuất bản Thông tấn, cùng hệ thống 63 Cơ quan thường trú tại các tỉnh, thành trên cả nước và 30 Cơ quan thường trú trên thế giới. Chúng ta có thể tự hào rằng TTXVN đang nằm trong dòng chảy thông tin thế giới, bắt kịp sự phát triển của truyền thông thế giới về sản xuất các loại hình thông tin hiện đại, đồng thời không ngừng mở rộng kênh phát hành.
Việc TTXVN ra mắt báo điện tử VietnamPlus năm 2008 và đến năm 2010 chính thức phát sóng kênh Truyền hình Thông tấn (Vnews) là những bước đi tiến tới mục tiêu nói trên, thể hiện tầm nhìn của Ban Lãnh đạo TTXVN khi đó. Sau này, để thích ứng với những thay đổi về nhu cầu thông tin, năm 2017, TTXVN phát triển Trung tâm thông tin Tư liệu thành Trung tâm thông tin Tư liệu và Đồ họa, sản xuất tin đồ họa tĩnh và động, đồ họa tương tác. Nhiều tờ báo, trang tin điện tử của TTXVN cũng đã nhanh chóng hình thành các sản phẩm thông tin đa phương tiện, như báo Tin tức, báo Thể thao & Văn hóa, Việt Nam News, Báo ảnh Việt Nam, báo Le Courrier du Vietnam, trang điện tử Bnews… TTXVN cũng tăng dần số ngữ của Báo ảnh Việt Nam lên 10 ngữ và cho ra mắt tờ Thời báo Việt-Hàn... Ngày 15/9/2015, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Ngành, chúng ta đưa thông tin chính thống của TTXVN lên mạng xã hội, mở đầu là quảng bá thông tin tiếng Việt, sau đó phát triển thêm các ngữ Anh, Pháp, Trung và Tây Ban Nha… Tiếp đó, TTXVN cũng đã đưa thông tin của Ngành lên các bảng điện tử công cộng.
Để triển khai được các bước đi đó, TTXVN ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, phát triển hệ thống tác nghiệp đa phương tiện tập trung theo mô hình hội tụ nhằm đảm bảo các yếu tố cần thiết cho việc sản xuất nhiều loại hình sản phẩm trên các nền tảng truyền thông khác nhau. Cùng với đó, công tác chỉ đạo thông tin và quy trình tác nghiệp không ngừng được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hơn. Yếu tố chất lượng thông tin được đề cao với nhiều hình thức cải tiến về nội dung, trong đó tăng cường bài phân tích, chuyên sâu, đẩy mạnh thông tin đấu tranh, phản bác…
Phóng viên: Đón đầu xu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các sản phẩm thông tin đa phương tiện của TTXVN được cơ cấu đầu tư và phát triển như thế nào để xứng tầm là cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia, thưa Tổng giám đốc?
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi: Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ lại chuyến thăm Nhật Bản tháng 3/2012. Chuyến công tác này đã gây ấn tượng mạnh với tôi về sự thích ứng nhanh nhạy của một hãng thông tấn trong bối cảnh truyền thông số phát triển không ngừng, trong đó tôi đặc biệt chú ý đến trung tâm thông tin theo mô hình hội tụ của hãng thông tấn Kyodo News. Trong các chuyến công tác sau này tại nhiều nước khác, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga..., hay tham dự hội nghị hàng năm của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA), tôi đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của các hãng thông tấn hàng đầu khu vực, như Tân Hoa xã, Yonhap, TASS. Các hãng này bắt nhịp rất nhanh với những tiến bộ của công nghệ truyền thông hiện đại, họ sử dụng robot làm người hướng dẫn chương trình truyền hình, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất tin thể thao, phát triển “nền tảng đám mây” để truyền phát thông tin trực tiếp… Từ kinh nghiệm tham khảo qua những hoạt động hợp tác quốc tế như vậy, Ban lãnh đạo TTXVN quyết tâm hơn trong việc đẩy nhanh tốc độ và cụ thể hóa các bước để đưa TTXVN trở thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của quốc gia.
Những gì tôi vừa đề cập ở trên cho thấy TTXVN đã có sự chuẩn bị tốt để đón đầu xu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và giờ đây chúng tôi đã có trong tay nhiều sản phẩm của cuộc cách mạng này. Ứng dụng Chatbot của VietnamPlus là một ví dụ. Cùng với đó là các sản phẩm báo chí dữ liệu sử dụng Big Data, hệ thống Voice to Text… Còn đầu tư cho các sản phẩm thông tin như thế nào, điều đó phụ thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển của công nghệ truyền thông và nhu cầu không ngừng thay đổi của đối tượng được cung cấp.
Tôi còn nhớ vào một ngày cuối tháng 9/2014, TTXVN và nhất là các anh chị em ở báo điện tử VietnamPlus hân hoan đón nhận tin vui: Sản phẩm tin âm nhạc RapNews đoạt giải nhất hạng mục đặc biệt “Digital First” do Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA) trao tặng. Đây là giải thưởng quốc tế, tôn vinh cơ quan báo chí có phương thức sáng tạo để thu hút sự tham gia của giới trẻ thông qua thiết bị di động. Điều cơ bản là TTXVN không bằng lòng với thành tích đã đạt được, dù là thành tích quốc tế, mà vẫn phải không ngừng nghiên cứu, tìm hướng đi mới cả cho sản phẩm thông tin truyền thống lẫn hiện đại.
Với sự nhanh nhạy và được tập trung đầu tư, đến nay, TTXVN đã có nhiều tờ báo và trang tin điện tử ứng dụng thành công các công nghệ hiện đại vào việc cho ra đời các sản phẩm báo chí. Đó là các đơn vị: VietnamPlus, báo Tin tức, Thể thao & Văn hóa, Vnews… Những tác phẩm báo chí được truyền tải dưới hình thức Mega story, Rapnews, Live, Podcast, Infographics,Timeline, Ảnh 360, Audio… là sự sáng tạo và đầu tư về nghiệp vụ cũng như công nghệ của đội ngũ làm báo, được bạn đọc đón nhận, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Truyền hình Thông tấn - Vnews đã tạo được bước đột phá trong công tác ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới phục vụ sản xuất đảm bảo ổn định phát sóng 24/24h hàng ngày với chất lượng cao. Nổi bật là chuyển đổi thành công định dạng phát sóng 4/3 sang 16/9, từ chuẩn SD sang phát sóng mới chuẩn HD, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hình ảnh của kênh. Đặc biệt, cuối năm 2019, Vnews đã đầu tư bổ sung tăng cường năng lực phát sóng HD hệ thống trường quay thời sự mới hiện đại, triển khai hệ thống hạ tầng mạng 10Gb, hệ thống máy dựng hậu kỳ mới đảm bảo cấu hình đáp ứng các chuẩn truyền hình 2K,4K. Đồng thời xây dựng thành công hệ thống lưu trữ thông tin và đưa vào vận hành hệ điều hành tác nghiệp truyền hình trực tuyến MAM, đây là hệ thống hỗ trợ quy trình làm việc chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, đảm bảo tính nhanh nhạy, chuẩn xác của thông tin..., khẳng định vị thế của kênh truyền hình thiết yếu quốc gia.
Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa của TTXVN không đơn thuần cung cấp các tư liệu dạng text, ảnh… như truyền thống, mà đã có các sản phẩm tư liệu dạng đồ họa kịp thời, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị báo chí trong nước.
Việc TTXVN triển khai nhiều loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, truyền hình/Audio … với các thể loại báo chí được đầu tư công nghệ hiện đại như nêu trên, đã đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, phục vụ công tác quản lý điều hành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của một cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực của quốc gia.
Phóng viên: TTXVN đang xây dựng Đề án phát triển TTXVN thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của hệ thống truyền thông quốc gia. Xin Tổng Giám đốc cho biết trong thời gian tới, TTXVN sẽ thực hiện những giải pháp nào để củng cố thế mạnh đặc thù cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của TTXVN?
Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi: Trước tiên, tôi muốn nói đôi chút về tên gọi của đề án này. “Phát triển TTXVN thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực của hệ thống truyền thông quốc gia” là cái tên đã được chúng tôi cân nhắc cả trên cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn.
Trong thời đại truyền thông số phát triển mạnh mẽ dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng từ công chúng, việc TTXVN, với đầy đủ nền tảng kỹ thuật và con người, phát triển theo mô hình đa phương tiện, trên cơ sở đa nền tảng nhằm phát huy thế mạnh của các loại hình báo chí là một xu hướng tất yếu. Còn về cơ sở pháp lý, chúng ta có nhiều văn bản pháp quy, trong đó có Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó có nội dung xây dựng TTXVN trở thành một trong 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện của quốc gia, và Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của TTXVN.
Với hệ thống cơ quan thường trú rộng khắp tại 63 tỉnh, thành trong cả nước và 30 cơ quan thường trú ở nước ngoài đặt tại tất cả 5 châu lục, TTXVN có lực lượng phóng viên tác nghiệp trên khắp mọi miền đất nước và tại hầu hết các địa bàn trọng điểm của thế giới. Đây là một ưu thế mà không một cơ quan báo chí nào ở nước ta có được.
Về các giải pháp, tôi cho rằng giải pháp nào cũng đều phải đảm bảo thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ đặc thù sau:
- TTXVN là hãng thông tấn duy nhất của Việt Nam, có chức năng cung cấp thông tin cho hệ thống báo chí trong nước và thế giới.
- TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất cung cấp thông tin tham khảo về tình hình trong nước và thế giới, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách.
- TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất được Ban Bí thư giao nhiệm vụ xuất bản ấn phẩm báo chí bằng ngôn ngữ của tất cả các dân tộc thiểu số có chữ viết ở Việt Nam.
- TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất có nhiệm vụ, quyền hạn công bố quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự, chỉnh hướng thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc.
- TTXVN là cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia.
- TTXVN có Truyền hình Thông tấn - kênh truyền hình chuyên biệt về tin tức đầu tiên và đến nay là duy nhất ở Việt Nam.
- TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất có mạng lưới phóng viên thường trú trải khắp 63 tỉnh, thành và cũng là cơ quan báo chí có nhiều cơ quan thường trú ở ngoài nước nhất (30).
- TTXVN quản lý kho tư liệu ảnh quốc gia lớn nhất Việt Nam.
Để luôn thực hiện tốt các chức năng và nhiệm vụ trên, yếu tố con người là quyết định và là nền tảng thành công hàng đầu. Vì vậy, việc phát triển nhân lực TTXVN phải đảm bảo đủ số lượng và coi trọng nâng cao chất lượng thông qua tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để những người làm báo TTXVN có đủ phẩm chất chính trị, năng lực làm báo hiện đại, đạo đức nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và những hiểu biết, kỹ năng khác.
Bên cạnh đó, TTXVN cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và cơ chế để TTXVN phát triển theo hướng đa phương tiện, có sức mạnh và năng lực chiếm lĩnh mặt trận thông tin, làm tốt công tác định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, đẩy lùi thông tin giả, thích ứng với sự phát triển của báo chí thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!