Vào cuộc kịp thời, chuẩn xác
Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Thời gian qua, báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Các phóng viên, biên tập viên thể hiện rất cao vai trò, trách nhiệm của người cầm bút trong các cơ quan báo chí, truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua Luật Phòng, phòng chống tham nhũng cũng như phản ảnh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước.
Qua thông tin báo chí nêu, cử tri và nhân dân cả nước biết được chủ trương của Đảng và Nhà nước quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Những vấn đề nổi cộm trong xã hội mà người dân và cử tri phản ánh, gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội được báo chí phản ánh khách quan, trung thực. Thông tin của báo chí rất được người dân quan tâm, đón nhận, lắng nghe...
"Quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông Phạm Văn Hòa cho biết, những vụ án tham nhũng, tiêu cực nổi cộm, những cán bộ trong cơ quan nhà nước thoái hóa, biến chất bị xử lý nghiêm khắc được báo chí phản ánh rất trách nhiệm, được nhân dân đánh giá cao.
Đại biểu Quách Thế Tản, đoàn Hòa Bình, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đánh giá: Thời gian qua, các cơ quan báo chí, cụ thể là các phóng viên đã bám sát đời sống xã hội đưa tin về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, được dư luận đánh giá cao.
“Tôi cho rằng báo chí đã nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, tiến hành giám sát việc xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm. Những bài viết, những phóng sự điều tra được báo chí đăng tải rất có trách nhiệm và có kết quả, được nhân dân và dư luận đồng tình. Những vụ việc xảy ra được nhân dân phản ánh, báo chí vào cuộc đưa tin; các đại biểu Quốc hội chất vấn, các cơ quan pháp luật xử lý, thì đó là đóng góp của báo chí”, đại biểu Quách Thế Tản khẳng định.
“Rõ ràng công tác phòng, chống tham nhũng không dừng lại, không có vùng cấm, việc xử lý những cán bộ sai phạm, tham nhũng rất nghiêm túc và có những giải pháp tiếp theo được nhân dân rất tin tưởng. Chúng tôi cũng thấy cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt và đặc biệt nhân dân rất đồng tình, ủng hộ việc này thì mới thành công”, đại biểu Quách Thế Tản nói.
Vai trò của báo chí rất lớn
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng nếu không có báo chí thì không có kết quả. Đây là một sự thật. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của anh chị em phóng viên các cơ quan báo chí. Nếu không có những nỗ lực và sự bản lĩnh, những hy sinh vất vả thì không tìm ra những vụ án tham nhũng lớn”.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng đồng cảm với đội ngũ phóng viên đã lăn lộn với thực tế, tự đi kiểm tra, kiểm chứng, thẩm định những ý kiến từ dư luận, nhân dân phản ánh… Từ đó, tìm ra được những vấn đề, phát hiện ra những sự vụ vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân sách, đưa những vụ tham nhũng lớn ra ánh sáng.
“Rõ ràng ở đây vai trò của báo chí rất lớn, nếu không có báo chí thì ít có người nào theo đuổi, đeo bám được sự việc. Báo chí kiên trì theo đuổi và đưa ra những lập luận xác đáng được nhân dân đánh giá cao. Tôi cũng ghi nhận đội ngũ phóng viên rất năng động. Báo chí đóng vai trò rất thiết thực và đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, vẫn còn đơn thư gửi từ dưới lên trên, nhiều đơn thư phản ánh đúng nhưng chưa được giải quyết.
“Cho nên tôi cho rằng báo chí cần phải vào cuộc, kiên trì theo đuổi. Những vụ việc báo chí nêu là rất chính xác và tạo ra một niềm tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Những vụ việc tham nhũng phát hiện đã khó, nhưng đến khi xử lý lại không nghiêm và kéo dài. Rồi đến khi ra tòa án thì lại xử nhẹ khiến dư luận xã hội rất bức xúc”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu ý kiến.
5 tháng đầu năm 2020, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, các ngành và địa phương đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng. Toàn ngành Thanh tra đã tiến hành 1.903 cuộc thanh tra hành chính và 32.054 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 10.196 tỷ đồng và 603 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi 6.467 tỷ đồng và 434 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 3.729 tỷ đồng và 169 ha đất; ban hành 23.402 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 3.266 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 316 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 12 vụ việc, 12 đối tượng.