Phẫu thuật thành công bệnh nhi dị dạng sọ mặt hiếm gặp

Bệnh viện Xanh Pôn phối hợp với đoàn chuyên gia phẫu thuật Pháp phẫu thuật thành công bệnh nhi dưới 1 tuổi mắc dị tật dị dạng sọ và dị dạng sọ mặt rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ.

Xem phóng sự do Truyền hình Thông tấn thực hiện:



Với sự hỗ trợ của chuyên gia phẫu thuật tạo hình của Pháp - Giáo sư Pellerin, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện thành công ca phẫu thuật dị dạng sọ não hiếm gặp cho cháu bé 11 tháng tuổi. Ngày 29/9 ca phẫu thuật đã được kíp phẫu thuật của bệnh viện tiến hành trong gần 5 tiếng. Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhi chuyển biến tốt, cháu bé đã cử động được chân tay và ăn được cháo.

Theo Giám đốc bệnh viện Nguyễn Đình Hưng - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi Cao Tuệ Lam (ở Phú Thọ), bé bị tổn thương luckenschadel skull – còn gọi là đầu dị dạng hình thuyền, một bệnh lý hiếm gặp do khớp đỉnh 2 bên dính nhau làm đường kính trước sau của hộp sọ kéo dài ra, trong khi đường kính ngang 2 bên hẹp lại.

Với những trường hợp này tốt nhất phải được phẫu thuật trước 1 tuổi, nếu để muộn không được phẫu thuật, mặt cháu bé sẽ bị biến dạng, não không phát triển được do thể tích hộp sọ bị giới hạn, lâu dần sẽ gây tăng áp lực nội sọ, ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ và các chức năng của hệ thần kinh, làm trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Công tác chuẩn bị trước giờ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: TTXVN phát

Đây là một ca đại phẫu phức tạp, thời gian mổ kéo dài, đòi hỏi sự phối hợp của đa chuyên ngành từ phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tạo hình đến gây mê, hồi sức. Ca mổ này có kỹ thuật hoàn toàn giống với kỹ thuật mổ bên Pháp là đường mổ lớn, đi từ thái dương phải sang trái, gần như lột toàn bộ da đầu khỏi xương sọ, cưa xương tới tận hốc mắt, hốc mũi để sắp xếp lại.

Bệnh nhân đã phải truyền 300 ml máu, ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng để tạo hình, trả lại thẩm mỹ bình thường cho cháu bé và mở rộng thể tích hộp sọ, giúp hộp sọ không chèn ép thêm vào não, để não của bé phát triển.

Giám đốc bệnh viện Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm, đây là ca đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tham gia với kỹ thuật mổ hộp sọ có diện tích lớn như vậy. Thành công của ca phẫu thuật cũng là thành công của việc phối hợp giữa các chuyên ngành của bệnh viện.

Từ sự chuyển giao kỹ thuật này, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn có đủ năng lực làm chủ hoàn toàn kỹ thuật phẫu thuật hộp sọ phức tạp giống như các nước tiên tiến đang áp dụng, đặc biệt hai chuyên ngành thế mạnh của bệnh viện là phẫu thuật thần kinh và tạo hình.

Anh Cao Hoàn Thành (bố của bệnh nhi, quê ở Phú Thọ) cho biết, sau phẫu thuật, bé nằm điều trị tại phòng hồi sức, theo các bác sĩ, bé đang hồi phục rất tốt. Trước đó, khi phát hiện con có hộp sọ phát triển không bình thường, bố mẹ bé đã đưa con đến khám tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Tại đây các bác sĩ Khoa phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn phát hiện bé mắc một dị tật hiếm gặp ở vùng sọ não, gọi là đầu dị dạng hình thuyền, khiến hộp sọ bị biến dạng và đã đưa bé vào diện theo dõi sức khỏe định kỳ cho đến khi đảm bảo sức khỏe, thể trạng cho cuộc đại phẫu.

TTXVN/Tin Tức
Em bé thụ tinh từ công nghệ “ba bố mẹ” đầu tiên chào đời
Em bé thụ tinh từ công nghệ “ba bố mẹ” đầu tiên chào đời

Đứa trẻ đầu tiên trên thế giới thụ tinh qua công nghệ sinh sản “3 bố mẹ” đã chào đời một cách khỏe mạnh vào đầu năm 2016 tại Mexico.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN