Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghị quyết liên tịch số 01 ra đời là bước cụ thể hóa chính sách quan tâm đến nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số đã dần đi vào nền nếp, được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Bà con dân tộc vùng cao rất cần được tuyên truyền hiểu biết về pháp luật-Ảnh CTV
Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật được lựa chọn phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương và nhiệm vụ của 5 ngành. Các ngành đã sử dụng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp, kết hợp giữa phổ biến giáo dục pháp luật với tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chủ trương, phong trào vận động quần chúng nên đã thu hút đông đảo nông dân và đồng bào dân tộc tham gia.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện những cách làm hay, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương như tuyên truyền thông qua lễ hội, phiên chợ vùng cao (Hà Giang); xây dựng Chương trình "Ai đúng, ai sai trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (Vĩnh Long); tuyên truyền pháp luật qua hình thức xe hoa, xe loa để thu hút nhân dân tham gia (Bình Phước); xây dựng "điểm sáng" chấp hành pháp luật theo tiêu chí "bốn không" (Gia Lai).
Qua thực hiện Nghị quyết góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số.
Các ngành ký Nghị quyết liên tịch số 01 đã thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm triển khai mạnh mẽ và nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các ngành nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; đề xuất xây dựng Luật Hòa giải, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật đến với nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa thường xuyên với phương châm "Hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở" bằng các hình thức, biện pháp đa dạng, phù hợp với đối tượng, chú ý sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua biên soạn và phát hành tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số; sinh hoạt văn hóa truyền thống, lễ hội truyền thống; thi tìm hiểu pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật; tăng cường tuyên truyền pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số trên sóng phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh cơ sở.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp, thiết thực đến cuộc sống hàng ngày của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được lồng ghép với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí ở Trung ương và địa phương; xây dựng phong trào nông dân chấp hành pháp luật thông qua chủ trương xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn và miền núi...
Quỳnh Hoa - TTXVN