Phó Giáo sư trẻ khát vọng đưa khoa học Việt Nam vươn tầm quốc tế

Với các công trình khoa học mang tầm quốc tế, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng luôn mang trong mình khát vọng đưa khoa học Việt Nam vươn tầm quốc tế, sánh vai với các cường quốc.

Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng (sinh năm 1980, đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến, Đại học Đà Nẵng) dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã trở thành nhà khoa học có uy tín với trên 150 công trình được công bố trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thông tin quang. Đồng thời anh cũng có một bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ tại Hoa Kỳ, 5 bằng độc quyền sáng chế khác đang trong quá trình xét duyệt tại Hoa Kỳ và Việt Nam; chủ nhiệm 2 đề tài cấp Quốc gia, 2 đề tài cấp Bộ và một dự án khoa học công nghệ tài trợ bởi Vingroup.

Anh vinh dự được cộng đồng các nhà khoa học tín nhiệm, bầu chọn trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp làm thành viên Hội đồng khoa học ngành Khoa học thông tin và máy tính của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED. Với các công trình khoa học mang tầm quốc tế, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng luôn mang trong mình khát vọng đưa khoa học Việt Nam vươn tầm quốc tế, sánh vai với các cường quốc.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng đang trình bày một dự án khoa học.

Nhà khoa học trẻ nung nấu khát vọng lớn

Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử - Viễn thông, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, anh được giữ lại làm giảng viên tại trường. Từ năm 2006-2012, anh nhận học bổng Chính phủ Nhật Bản học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Trường Đại học Điện tử-Thông tin UEC, Tokyo. Từ năm 2012-2016, anh tiếp tục nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến quốc gia Nhật Bản AIST, Tsukuba. Đây cũng là nơi anh Hưng được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến và công việc nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực thông tin sợi quang.

“Tôi may mắn được học tập, nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới về thông tin sợi quang ở Nhật Bản, nơi có nền tảng khoa học, công nghệ hiện đại, điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi. Tôi vẫn luôn khao khát áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm đạt được vào việc phát triển nghiên cứu khoa học đối với lĩnh vực thông tin sợi quang ở trong nước - lĩnh vực mà Việt Nam vẫn còn hạn chế so với thế giới”, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng tâm sự.

Từ năm 2016 đến nay, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng có nhiều công trình khoa học cấp quốc gia, cấp bộ tiêu biểu như: “Phát triển hệ thống truyền dữ liệu gigabit có độ tin cậy cao kết hợp thông minh giữa laser và sóng vô tuyến cho vùng có địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt” (đề tài nghiên cứu ứng dụng Nafosted); “Nghiên cứu giảm méo tín hiệu phi tuyến cho các hệ thống thông tin quang băng rộng dùng các siêu kênh Terabit” (đề tài nghiên cứu cơ bản Nafosted); “Thiết kế, tối ưu hóa và chế tạo mẫu chip silicon quang tách ghép đa mode băng siêu rộng cho hệ thống thông tin quang thế hệ mới”;…

Nhiều công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín bậc nhất trong lĩnh vực thông tin quang của Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE), Hội Quang học Hoa Kỳ (OSA) như: Tạp chí IEEE Journal of Selected Topics in Quantum Electronics, Tạp chí IEEE/OSA Journal of Lightwave Technology, Tạp chí IEEE Photonics Technology Letters, Hội thảo Optical Fiber Communication Conference (hội thảo lớn nhất thế giới trong lĩnh vực thông tin quang, được tổ chức hàng năm tại Hoa Kỳ), Hội thảo European Conference on Optical Communication (một trong những hội thảo uy tín và truyền thống nhất trong lĩnh vực thông tin quang, được tổ chức hàng năm tại Châu Âu). Trong số đó có nhiều công trình là bài báo mời (Invited Paper), báo cáo mời (Invited Talk), bài báo xuất sắc (Top-scoring Paper).

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng, với nhiều chính sách hiệu quả thúc đẩy khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà Nước, cùng sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà khoa học có trình độ cao và kinh nghiệm quốc tế, trình độ nghiên cứu khoa học của Việt Nam được nâng cao, dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Môi trường nghiên cứu khoa học được cải thiện, điều kiện, cơ sở vật chất để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong nước dần được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, các nhà khoa học làm việc tại Việt Nam có cơ hội nghiên cứu nhiều dự án chuyên sâu, tiếp xúc với nhiều chuyên gia tầm quốc tế. Vì vậy, môi trường học thuật, chất lượng nghiên cứu trong nước đang dần phát triển gần hơn với các nước có nền khoa học phát triển.

Việc tham gia thành viên Hội đồng khoa học của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nafosted từ năm 2017 đến nay đã mang lại cho Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng nhiều trải nghiệm thú vị, đầy ý nghĩa, nơi anh có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng khoa học trong nước thông qua các hoạt động tư vấn xác định các định hướng nghiên cứu ưu tiên; xét chọn/đánh giá các đề tài nghiên cứu, giải thưởng; tổ chức các hội nghị quốc tế; và các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Xây dựng viện khoa học và công nghệ tiên tiến

Luôn mang khát vọng đưa khoa học Việt Nam vươn tầm quốc tế, sau khi trở về Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng được đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến. Viện được thành lập tháng 8/2020 là chính sách đột phát của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng với kỳ vọng phát triển thành Viện nghiên cứu xuất sắc trong cả nước, ngang tầm khu vực thông qua nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt các chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, Viện là đầu mối của Đại học Đà Nẵng tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, phục vụ cộng đồng mang tầm quốc gia và quốc tế; thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu liên ngành, đa ngành nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng của địa phương và khu vực.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng, Viện đã phát triển được 8 nhóm nghiên cứu liên ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, xã hội-nhân văn đến khoa học, công nghệ; với sự tham gia của trên 150 nhà khoa học trong và ngoài Đại học Đà Nẵng, trong nước và quốc tế, gồm: nhóm nghiên cứu và phát triển tiềm năng con người; nhóm nghiên cứu rủi ro thiên tai và kiểm soát an toàn hạ tầng xây dựng; nhóm nghiên cứu hành vi kinh tế và giao thông bền vững; nhóm nghiên cứu sức khỏe môi trường; nhóm nghiên cứu khoa học và kỹ thuật tính toán; nhóm nghiên cứu công nghệ mạng thông tin và truyền thông; nhóm nghiên cứu quang phổ; nhóm nghiên cứu vật liệu thông minh; nhóm nghiên cứu khoa học vật liệu tính toán.

Qua quá trình hoạt động, hiện các nhóm nghiên cứu thuộc Viện đã triển khai đề xuất trên 100 đề tài, đề án, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh-thành, địa phương và các đề tài hợp tác quốc tế song phương, đa phương.

Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng cho biết, các nhóm nghiên cứu thuộc Viện gồm nhiều nhà khoa học trẻ, đam mê nghiên cứu khoa học, tâm huyết và khao khát cống hiến, năng động, sáng tạo, tập trung trí tuệ để nghiên cứu các đề tài có ý nghĩa, mang tính thời sự, ứng dụng cao cho xã hội. Đây là những đức tính rất quý mà các nhóm nghiên cứu tại Viện có được khi mà vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ngày càng lớn, áp lực xã hội ngày càng cao, cần phải đưa nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống.

Thời gian tới, Viện sẽ tập trung vào các hướng nghiên cứu ưu tiên cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ, sản phẩm công nghệ cao phục vụ Chính phủ số và đô thị thông minh như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ tự động hóa, giao thông thông minh-xây dựng bền vững và công nghệ vật liệu mới. Đặc biệt tập trung vào các nghiên cứu có tính đột phá, tầm ảnh hưởng cho thành phố Đà Nẵng và khu vực, được thể hiện thông qua các sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao, có khả năng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các quốc gia lớn và được sự quan tâm của các nước trên thế giới tìm hiểu, mua bản quyền.

Hiện nay, Viện đang tích cực tham gia xây dựng “Phòng thí nghiệm nghiên cứu Công nghệ mạng thông tin và truyền thông băng thông rộng” của Trung tâm nghiên cứu và thí nghiệm tập trung, thuộc Dự án phát triển Khu Đô thị Đại học Đà Nẵng tại Hoà Quý-Điện Ngọc bằng nguồn vốn ODA 100 triệu USD của Ngân hàng thế giới. Với nguồn đầu tư lên đến gần 3.5 triêu USD, đây được kỳ vọng sẽ là phòng thí nghiệm đẳng cấp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực truyền dẫn dữ liệu siêu tốc, góp phần tích cực phát triển Đại học Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu uy tín trong nước và trong khu vực.

Công trình nghiên cứu đầu tiên của Đại học Đà Nẵng được Hoa kỳ cấp bằng bảo hộ trí tuệ

Với những nỗ lực không ngừng trong quá trình nghiên cứu, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng cùng cộng sự của mình là Tiến sĩ Lê Thái Sơn vừa hoàn thành dự án thuộc Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” được Cơ quan Sở hữu Trí tuệ USPTO (Hoa Kỳ) cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế sau hơn một năm đăng ký.

Theo anh Hưng, đây là một trong hai hồ sơ sáng chế Hoa Kỳ được nhóm dự án đăng ký năm 2021. Nội dung chính được bảo hộ là các cấu hình thiết bị, hệ thống điều khiển và giao thức truyền tin cho hệ thống thu phát tín hiệu quang thông minh, linh hoạt, có khả năng tích hợp cao và chi phí thấp. Với bằng độc quyền sáng chế đã được chấp nhận bảo hộ, nhóm dự án sẽ chuyển sang giai đoạn R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát triển sản phẩm thương mại “smart optical transceiver” trong thời gian tới cho công nghiệp viễn thông; phục vụ tốt hơn cho các ứng dụng băng thông rộng như video/truyền hình tốc độ cao, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…của mạng Internet trong tương lai

Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ: “Thế giới được kết nối với nhau thông qua các xa lộ thông tin được xây dựng dựa trên sợi quang có đường kính mỏng như sợi tóc người. Thông tin sợi quang được xem là cơ sở hạ tầng của mạng internet ngày nay. Tuy nhiên, sự gia tăng chóng mặt về số lượng người dùng và các ứng dụng băng thông rộng đã đẩy lưu lượng dữ liệu trong các mạng internet đến điểm tới hạn và sẽ sớm quá tải trong tương lai gần. Vì vậy cần phải có giải pháp đột phá nhằm nâng cao dung lượng trên các mạng truyền dẫn để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của con người”.

Anh Hưng cho biết thêm, mục tiêu của dự án là thiết kế và phát triển hệ thống thông tin quang thông minh có dung lượng truyền dữ liệu cực lớn nhiều terabit trên giây (1012 bit/s). Để đạt được mục tiêu này, dự án đã phát triển các kỹ thuật nhằm phát hiện và khắc phục các yếu tố làm suy giảm chất lượng hệ thống, bao gồm các méo dạng tín hiệu tuyến tính và phi tuyến, qua đó giúp hệ thống vượt qua các giới hạn Shannon phi tuyến (nonlinear Shannon limits) về dung lượng truyền thông tin.

Trong dự án này, nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả xuất sắc so với thuyết minh ban đầu như các công bố trên các tạp chí, hội nghị chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực thông tin sợi quang, hỗ trợ đào tạo 3 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đặc biệt, nhóm đã thiết lập bằng thực nghiệm truyền dữ liệu dung lượng đến 1200Gb/giây (tương đương tốc độ truyền 255 đĩa DVD mỗi giây) với hiệu suất phổ 5.25 bit/s/Hz chỉ bằng kỹ thuật tách sóng trực tiếp.

Với những đóng góp xuất sắc của mình, Phó Giáo sư Nguyễn Tấn Hưng vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho các bài báo khoa học quốc tế uy tín năm 2017 và 2020; Giải thưởng “Hoạt động khoa học và công nghệ xuất sắc” các năm học 2015/2016, 2016/2017, 2018/2019…

Bài và ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Giáo sư Đặng Thai Mai: Người mở đường cho nền văn hóa, giáo dục cách mạng
Giáo sư Đặng Thai Mai: Người mở đường cho nền văn hóa, giáo dục cách mạng

Nhắc đến Giáo sư Đặng Thai Mai là nhắc đến một tên tuổi lớn, một học giả uyên bác, nhà văn hóa lớn của Việt Nam thế kỷ XX.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN