Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Chính quyền ba tỉnh thống nhất nhận định, qua 4 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp, trật tự an toàn giao thông đường thủy cơ bản được ổn định, tình trạng vi phạm pháp luật giao thông đường thủy và hoạt động khai thác cát trái phép giảm đáng kể. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường thủy được nâng lên, góp phần đưa hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động giao thông đường thủy trên tuyến đi vào nền nếp. Việc tranh chấp đất đai khu vực giáp ranh giữa các tỉnh hầu như không xảy ra, an toàn giao thông đường thủy trong khu vực cơ bản được đảm bảo, ổn định.
Trong một năm qua, riêng tỉnh Thái Bình đã lập biên bản xử lý 17 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 320 triệu đồng, tịch thu hơn 100 m3 cát, tịch thu ba máy hút và bơm cát. Tỉnh Hà Nam đã lập biên bản xử lý 22 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 570 triệu đồng, tịch thu hai bộ dụng cụ, thiết bị thai thác cát trái phép của hai tổ chức. Tỉnh Hưng Yên đã lập biên bản xử lý 35 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,2 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hai tháng đối với hai trường hợp vi phạm, tịch thu 17 đầu máy nổ và các dụng cụ, thiết bị khai thác.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phối hợp giữa các ngành, các lực lượng của ba tỉnh trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép có lúc còn chưa chặt chẽ. Một số khu vực và địa phương còn để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép.
Trong thời gian tới, UBND các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên và Hà Nam chỉ đạo các sở ban, ngành liên quan, UBND các huyện, xã có tuyến sông giáp ranh giữa ba tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật khoáng sản, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan; chỉ đạo Công an các tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, xã trong tỉnh và tỉnh giáp ranh theo quy chế đã ký kết tăng cường tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ cát không có nguồn gốc hợp pháp. Các đơn vị tham gia các đợt thanh tra liên ngành để xử lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản; thường xuyên kiểm tra các khu vực khoáng sản chưa khai thác, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định... UBND tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Hà Nam và UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản phải thả phao, cắm mốc các điểm khép góc mỏ được cấp phép để nhân dân và các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát...
Trước đó, ngày 20/3/2014, UBND ba tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh. Những năm trước đó, việc quản lý địa giới hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông tại khu vực giáp ranh ba tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ở nhiều nơi trên các tuyến sông Hồng, sông Luộc... Các đối tượng khai thác cát trái phép lợi dụng địa hình sông nước ngang nhiên hoạt động. Khi các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì các đối tượng này lại di chuyển sang địa phận tỉnh khác. Ngoài ra, việc xâm canh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực bãi bồi trên sông xảy ra nhiều năm đã gây mất an ninh trật tự, khó khăn trong công tác quản lý địa giới hành chính, cũng như việc kiểm tra, bắt giữ và xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.