Ông Trần Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành thuộc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Công tác trao đổi thông tin giữa phòng lữ hành và phòng kinh tế các quận, huyện trong 6 tháng đầu năm còn hạn chế. Cụ thể là phòng lữ hành chưa cung cấp đều đặn hàng tháng cho phòng kinh tế danh sách doanh nghiệp lữ hành đủ điều kiện hoạt động để phòng kinh tế quận, huyện nắm rõ quản lý. Trong khi đó, nhiều quận, huyện chưa cung cấp thông tin doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn cho Sở nắm danh sách và thống kê chuyển về cho quận, huyện. Vì vậy, hiệu quả của việc phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch tại thành phố chưa cao".
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Khâm, thanh tra viên thuộc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết việc phối hợp thanh kiểm tra các hoạt động du lịch giữa các quận, huyện còn chưa tốt nên công tác này đang bị chững lại. "Cũng do nắm thông tin giữa hai bên chưa rõ nên sẽ xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm” và khó quản lý. Trước đây, phòng văn hóa thông tin làm khá tốt công tác phối hợp với thanh tra Sở. Ngày nay, dù chuyển giao cho phòng kinh tế quản lý nhưng cũng cần kết hợp với phòng văn hóa thông tin của quận, huyện. Bởi khi đi thanh kiểm tra vẫn có một số nhà nghỉ, khách sạn có các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm…xảy ra", ông Khâm nói.
Phối hợp thông tin giữa các đơn vị để ngành du lịch thành phố phát triển. |
Theo ông Việt Anh, với hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế đang hoạt động được Sở quản lý, chưa kể hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại các quận, huyện chưa được thống kê và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lữ hành ngày càng gay gắt càng khiến hoạt động kinh doanh lữ hành có diễn biến khá phức tạp. Chẳng hạn như tại khu phố Phạm Ngũ Lão (quận 1), trở thành nơi tập trung nhiều khách du lịch nước ngoài, hoạt động lữ hành rất phong phú từ loại hình kinh doanh đại lý lữ hành đến nội địa, quốc tế. Do đó, trong quá trình hoạt động sẽ có khả năng các doanh nghiệp, đại lý lữ hành và doanh nghiệp nội địa thực hiện kinh doanh lữ hành không phép, cung cấp chất lượng dịch vụ thấp, tạo ấn tượng không tốt về hình ảnh du lịch thành phố đối với du khách nước ngoài.
“Từ tháng 4 đến tháng 6, phòng Lữ hành đã phối hợp với Thanh tra Sở thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp có thị trường Hàn Quốc trên địa bàn nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành đối với thị trường có dấu hiệu doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trái phép. Tuy nhiên, một số thị trường khác cũng xuất hiện tình trạng người nước ngoài hoặc doanh nghiệp lữ hành nước ngoài có hình thức núp bóng hoặc trực tiếp kinh doanh lữ hành trái phép”, ông Việt Anh cho biết thêm.
TP Hồ Chí Minh sẽ siết chặt quản lý kinh doanh lữ hành để bảo vệ quyền lợi của du khách |
Theo đại diện phòng kinh tế quận 11, việc chuyển giao công tác quản lý doanh nghiệp kinh doanh, đại lý lữ hành cho phòng kinh tế các quận huyện quản lý là phù hợp, tạo điều kiện để công tác quản lý về du lịch ở cơ sở ngày càng hiệu quả hơn. Trước đây, khi chưa tách Sở Du lịch, công tác này thuộc quản lý của phòng văn hóa thông tin quận nên khi được chuyển giao, một số cán bộ chuyên trách của phòng kinh tế chưa nắm rõ các quy trình kiểm tra của ngành du lịch ra sao, cách thống kê danh sách doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn, tiêu chuẩn cấp tiêu chuẩn hạng sao cho các khách sạn như thế nào…Vì vậy, việc phối hợp của quận huyện với Sở cũng chưa chặt chẽ. Một số thông tin họp hành, các văn bản về lĩnh vực du lịch được chuyển về quận vẫn còn chậm, chưa tới tay các cán bộ phòng kinh tế nên cán bộ cũng không kịp thời nắm bắt thông tin chỉ đạo từ Sở để thống kê, báo cáo hoạt động về Sở.
Ông Lã Quốc Khánh cho biết, việc thông tin giữa các phòng ban Sở Du lịch và các quận, huyện chưa thông suốt, suôn sẻ chứng tỏ còn lổ hổng trong cách quản lý. Vì vậy, cần tăng cường phối hợp thông tin giữa các đơn vị để ngăn chặn tình trạng kinh doanh lữ hành trái phép và tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành chân chính hoạt động tốt hơn.
Theo đó, cán bộ các phòng ban Sở Du lịch cần chủ động liên hệ cung cấp thông tin, những cuốn cẩm nang, văn bản có những tiêu chuẩn đặc thù của ngành du lịch để cán bộ hiểu và nắm rõ những thông tin trong ngành du lịch. Ví dụ trong việc phối hợp tiến hành rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh trái phép tại địa phương để chấn chỉnh và ổn định tình hình kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Mục tiêu từ nay đến cuối năm của ngành du lịch là phải thông suốt về thông tin giữa các phòng nghiệp vụ của Sở với phòng kinh tế quận, huyện để có thể giải quyết được các vướng mắc khó khăn hiện nay. Ngoài ra, việc tăng cường thông tin giữa các đơn vị cũng sẽ hạn chế các vụ việc đáng tiếc như bỏ rơi du khách ở nước ngoài như công ty du lịch Vietsun, Travel life… trong thời gian qua.
Tính đến tháng 6/2016, Sở Du lịch đang quản lý 1.079 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, bao gồm 570 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 502 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 43 đại lý và 8 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh, trong đó các quận 1, quận 5, quận 10, quận 11…là những địa bàn trọng điểm có số lượng doanh nghiệp tập trung kinh doanh lữ hành.