Vậy nên, việc đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc dị tật đầu nhỏ đang là vấn đề hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh do virút Zika.
Chủ động tư vấn, tầm soát
Thông tin số lượng ca nhiễm bệnh do virút Zika gia tăng liên tục trong những ngày qua tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt là phụ nữ mang thai và đang có ý định mang thai.
Chị Nguyễn Bá Niên, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù đã tìm hiểu thông tin về bệnh do virút Zika từ mạng Internet nhưng vẫn đăng ký lớp tiền sản do Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương tổ chức.
“Tôi rất lo lắng trước thông tin em bé mắc dị tật đầu nhỏ ở Đắk Lắk là do mẹ nhiễm virút Zika trong thời kỳ đầu mang thai. Sau khi tham gia lớp học tiền sản, được bác sỹ tư vấn, cung cấp thêm nhiều kiến thức thì cũng bớt lo và chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi như mặc áo dài tay, ngủ mùng, thoa kem chống muỗi…”, chị Niên chia sẻ.
Theo bác sỹ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, thời gian gần đây, số lượng thai phụ chủ động hỏi về virút Zika nhiều hơn, trung bình cứ 5 thai phụ thì có 1 người hỏi về virút Zika.
Khám, tư vấn các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virút Zika cho thai phụ tại Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh. |
“Chúng tôi đều tư vấn cho thai phụ về các triệu chứng nhiễm virút Zika cũng như các tác hại và cách phòng tránh. Các thai phụ có dấu hiệu nghi ngờ đều được lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và tư vấn các kiến thức cần thiết”, BS Hải cho biết.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, từ đầu tháng 4/2016, cũng chính thức áp dụng các biện pháp tư vấn, tầm soát cho thai phụ. Với khoảng 500 - 600 thai phụ khám thai mỗi ngày, các bác sỹ đã tư vấn cho thai phụ các kiến thức về bệnh do virút Zika; tư vấn và phát các tờ rơi về biện pháp phòng tránh lây nhiễm virút Zika cho cả thân nhân đưa thai phụ đến khám. Bên cạnh đó, trẻ mới sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cũng được đo vòng đầu để tìm ra các trường hợp mắc dị tật đầu nhỏ nếu có.
Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với virút Zika. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương “nóng” nhất với 29 ca, Đắk Lắk (2), Bình Dương (2), Khánh Hòa (1), Phú Yên (1) và Long An (1). Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã rốt ráo, yêu cầu Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố cùng với các bệnh viện sản, khoa sản của các bệnh viện trên địa bàn tăng cường công tác tư vấn, tầm soát bệnh cho các thai phụ.
Chủ động diệt muỗi, loăng quăng
Trong buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh và các sở ban ngành ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện cả hai loại dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết chưa có vắcxin phòng bệnh. Do đó, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất vẫn là diệt muỗi và diệt loăng quăng. Bộ trưởng đã đề nghị thành phố huy động thêm lực lượng học sinh, sinh viên làm vệ sinh môi trường, thu gom những vật dụng phế thải gây tồn đọng nước và diệt tất cả các ổ loăng quăng... Bên cạnh đó, giám sát những điểm có chỉ số muỗi cao; tiến hành phun diệt muỗi...
“Quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng chống dịch bệnh của cộng đồng, cần phải tuyên truyền cho người dân để cùng phối hợp với ngành y tế trong việc diệt muỗi diệt loăng quăng; phạt những đơn vị để tồn lưu vật liệu phế thải tạo điều kiện cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thành phố đã ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời, thực hiện truyền thông tại nhà tới các hộ dân. Khi có ca bệnh nghi ngờ, không chờ kết quả xét nghiệm, ngành y tế sẽ chủ động phun hóa chất, làm sạch môi trường; với những nơi xuất hiện ca bệnh, sẽ thực hiện phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng toàn phường từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần…
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuy chưa có ca bệnh Zika nào song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã chủ động giám sát ca bệnh tại cộng đồng và triển khai tập huấn đến toàn bộ các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã mời đại diện các đơn vị y tế như Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, TT Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội… thuyết giảng về công tác chủ động giám sát bệnh nhân nghi nhiễm bệnh do virút Zika và phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng; hướng dẫn sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai phòng nhiễm virút Zika… Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” lần thứ 2 trong tháng 11/2016. Hướng dẫn người dân cách xử lý các dụng cụ chứa nước, chủ động diệt muỗi, diệt bọ gậy.
“Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cùng “ra quân” bắt muỗi xét nghiệm, tìm cá thể muỗi nhiễm virút Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống. Trong đó, tập trung tại 3 khu vực gồm phường Láng Thượng (Đống Đa), phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) và xã Đại Thành (Quốc Oai)”, TS Nguyễn Khắc Hiền chia sẻ.