Nam giới - nhân tố quyết định để ngăn ngừa bạo lực giới
Nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thực hiện với hơn 2.500 nam giới trong độ tuổi lao động, công bố vào tháng 11/2020 cho thấy, cứ 3 nam giới có đến 2 người tin rằng nam giới làm việc hiệu quả hơn phụ nữ, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo.
Một tỷ lệ đáng chú ý là hơn 92% số nam giới đồng ý với quan niệm cho rằng “thiên chức của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp”. Tương ứng, hơn 82% nam giới cho rằng “phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp”, “phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Hơn 84% nam giới đồng ý với ý kiến cho rằng phụ nữ nên làm những công việc nhẹ nhàng và đơn giản.
Những phát hiện này cho thấy, nam giới tin rằng phụ nữ có năng lực làm việc kém hơn đàn ông và phụ nữ nên hy sinh sự nghiệp của mình để chăm lo gia đình, hỗ trợ cho sự thành công của người chồng.
Chính những suy nghĩ trên và chế độ gia trưởng hà khắc, ăn sâu, bám rễ qua nhiều thế hệ đã khiến nhiều đàn ông cảm thấy thất bại nặng nề nếu họ không thể hiện được vai trò trụ cột của gia đình. Điều đó cùng với việc uống rượu như một biểu tượng nam tính, có thể dẫn đến bạo lực gia đình.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội nhấn mạnh: “Tư tưởng gia trưởng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đàn ông Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình. Theo đó, một người đàn ông tự cho mình là chủ gia đình có quyền được giáo dục, đưa vợ con vào khuôn phép”.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng, để thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa hiệu quả bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, bên cạnh các hoạt động vận động từ phía nữ giới như lâu nay, rất cần các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, đưa nam giới trở thành một phần quan trọng, “chìa khóa thành công” của mỗi chiến dịch bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực giới.
“Nếu chúng ta không chỉ cho nam giới thấy sự thay đổi mang lại cho họ lợi ích nhiều hơn là họ mất. Các nghiên cứu ở trên thế giới đã chỉ ra những cái giá phải trả nếu nam giới không có sự thay đổi, vẫn là người gia trưởng, độc đoán trong gia đình, tự cho mình có quyền quyết định tất cả”, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói.
Thành công bước đầu của một mô hình lấy nam giới làm trung tâm
Dự án huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phối hợp triển khai giai đoạn 2 từ năm 2017 đến năm 2020, với sự tài trợ của Chính phủ Australia đã tiếp nối những thành công của giai đoạn 1 (2014 -2016).
“Trong dự án này, chúng tôi vận động cộng đồng để họ có cái nhìn sâu sắc hơn về quyền năng cho phụ nữ. Đó là cách các quyền này vận hành trong các mối quan hệ về giới hay cách nam giới cũng như phụ nữ có thể cùng tạo ra những mối quan hệ cân bằng, bình đẳng hơn về quyền năng, cần phải có sự tôn trọng và trao quyền giữa các bên. Điều này được xem như một cam kết để phòng ngừa bạo lực với phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội”, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết.
Dự án được triển khai ở 11 xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hiệu quả của Dự án là cách tiếp cận toàn diện dựa trên lợi ích và theo từng giai đoạn trong việc huy động cộng đồng thay đổi các định kiến xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái.
Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women cho biết, lúc đầu, dự án chỉ có 4 Câu lạc bộ thử nghiệm (trong 1,5 năm), Sau đó, thấy hiệu quả trong việc huy động nam giới tham gia, dự án đã được nhân rộng ra 11 Câu lạc bộ khác. Mô hình huy động nam giới tham gia phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đã huy động được nam giới tham gia rất tích cực.
Dự án đã kêu gọi mạnh mẽ nhiều nhóm cộng đồng chung tay hành động thiết thực nhằm ngăn chặn bạo lực kịp thời, đem lại cho phụ nữ và trẻ em gái điều kiện sống an toàn, bình đẳng, tận hưởng, phát triển.
Dự án được chia thành 4 nhóm hoạt động chính: nhạy cảm hóa truyền thông và vận động chính sách; nâng cao năng lực cho cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực; xây dựng tài liệu truyền thông; tổ chức các hoạt động địa phương nhằm huy động người dân tham gia vào hoạt động phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong 4 nhóm hoạt động trên, nhóm hoạt động thứ 4 thực sự gây dấu ấn khi tạo dựng và phát triển thành công các mô hình Câu lạc bộ nam giới tiên phong. 16 Câu lạc bộ nam giới tiên phong với hơn 550 thành viên đã được thành lập và vận hành ở 11 xã, phường trước khi Dự án kết thúc. Các địa bàn ngoài Dự án đã nhân rộng thêm được 5 Câu lạc bộ nâng tổng số thành viên tích cực lên 635 người.
Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải Châu (Đà Nẵng), một trong những địa phương thụ hưởng Dự án cho biết: “Điều tôi thấy quan trọng nhất của Dự án là đối tượng thường xuyên gây bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em hầu như là nam giới. Các Câu lạc bộ hình thành đã lôi kéo được các nam giới vào cuộc”.
Ông Đặng Vân (85 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ nam giới tiên phong phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng chia sẻ: Dự án đã đi đúng trọng tâm, trọng điểm của vấn đề. Việc hình thành các câu lạc bộ đã tạo ra những diễn đàn tại cộng đồng dân cư, giúp các thành viên câu lạc bộ thảo luận những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ mà nam giới phải đối mặt trong cuộc sống đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nam giới trong việc duy trì quan hệ lành mạnh và giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, phát triển bản thân và thể hiện nam tính tích cực. Các thành viên trong câu lạc bộ là những "hòa giải viên", "tuyên truyền viên" tích cực nhằm làm thay đổi nhận thức, hành vi, hướng tới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
“Chúng tôi đã được các chuyên gia nói chuyện cũng như tự bản thân chia sẻ với nhau những vấn đề vê tâm lý cũng như bạo lực gia đình. Các anh em nam giới rất hào hứng tham gia. Từ khi tham gia Câu lạc bộ, tôi mới hiểu được nguyên nhân gốc rễ của bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới. Từ chỗ hiểu đúng đầy đủ về bình đẳng giới, tôi đã tích cực tuyên truyền cho con cháu, bạn bè, người dân xung quan thực hiện bình đẳng giới phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong các cuộc họp người cao tuổi hay họp chi bộ, tôi luôn tranh thủ đưa các nội dung về bình đẳng giới vào các nội dung cuộc họp để mọi người cùng nhau thay đổi", ông Vân cho hay.
Ông Vân cho biết thêm, Câu lạc bộ của ông đã tự tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền trong cộng đồng, cổ động trực quan đến sân khấu hóa. Những tình huống rất đời thường vốn bị các nam giới không coi đó là bạo lực phụ nữ nhưng thông qua hình thức diễn xuất, sân khấu hóa đã khiến mọi người hiểu ra.
Đánh giá về mô hình Câu lạc bộ nam giới tiên phong nói riêng cũng như Dự án huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng nói chung, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng: “Mô hình này là một sáng kiến rất tuyệt vời. Như chúng ta đều biết, lâu nay, công tác bình đẳng giới toàn tập trung vào phụ nữ, trong khi bình đẳng giới thực chất phải là cả phụ nữ và nam giới. Thu hút được nam giới là một việc làm rất khó khăn. Điều được nhất ở mô hình Câu lạc bộ này là đã hình thành một mạng lưới các Câu lạc bộ lấy nam giới làm trung tâm, đã duy trì liên tục 7 năm qua và ngày càng phát triển tốt hơn”.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nhận định, cũng như nhiều mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, mô hình Câu lạc bộ nam giới tiên phong đang phải đối mặt với thách thức lớn đó là làm sao thu hút được nhiều đối tượng nam giới trẻ tuổi. Bởi đây là nhóm đối tượng có tính cơ hữu cao, thường xuyên đi làm ăn xa nhà, đang ở độ tuổi lao động tích cực.
Thực tế cho thấy, tại nhiều mô hình câu lạc bộ nam giới tiên phong ở Đà Nẵng, tỷ lệ nam giới ở độ tuổi trung niên, cao tuổi tham gia vẫn chiếm đa số, có nơi gần như vắng bóng sự hiện diện của các nam thanh niên.
Theo Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, nam giới trẻ là lực lượng tiến bộ hơn, cởi mở hơn, có những tư tưởng, suy nghĩ, thực hành bình đẳng giới tốt hơn các nhóm tuổi trung niên, cao tuổi. Chẳng hạn như, nam giới trẻ hiện nay sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình vợ, con nhiều hơn; họ cũng là người chia sẻ về sở hữu tài sản nhiều hơn với vợ. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta không quan tâm tới việc lôi kéo, tuyên truyền cho họ về bình đẳng giới.
“Các nghiên cứu cho thấy, nhiều nam giới lúc trẻ tỏ ra khá cởi mở về trao quyền cho phụ nữ nhưng khi bước sang tuổi trung niên lại thay đổi nhận thức, có những suy nghĩ bảo thủ, gia trưởng. Cho nên, ngay từ bây giờ, nếu các Câu lạc bộ nam giới thu hút được lực lượng nam thanh niên tham gia các hoạt động bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, chắc chắn những thay đổi sẽ bền vững, xuyên thế hệ, mang lại bình đẳng giới thực chất”, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói.