Từ đầu năm đến nay, trại giam Gia Trung thuộc Bộ Công an đóng tại địa bàn tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận và chuyển đi hơn 2.500 thư xin lỗi của phạm nhân đến với người bị hại, nhiều nhất là thư của phạm nhân ở độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi. Theo đại tá Nguyễn Đình Ba - Giám đốc trại giam Gia Trung đây là một trong những hình thức giáo dục, cải tạo mang tính nhân văn sâu sắc với mong muốn giúp cho phạm nhân nhận rõ tội lỗi do bản thân gây ra, tích cực học tập, lao động tốt để khi tái hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội; đồng thời, giúp cho những người bị hại cũng như cộng đồng có cái nhìn rộng mở và tấm lòng vị tha đối với những phạm nhân thực sự ăn năn, hối cải.
Khi phong trào viết thư xin lỗi được phát động, các phạm nhân đều rất phấn khởi và nhiệt tình hưởng ứng bởi phong trào này đã tạo môi trường thuận lợi để phạm nhân được bộc bạch lòng mình. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo trại giam Gia Trung, phần lớn số lượng thư xin lỗi của phạm nhân viết gửi cho những người bị hại, thân nhân người bị hại, cho gia đình phạm nhân cũng như chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể đều thể hiện rõ sự ăn năn hối cải tội lỗi trước đây và mong được cộng đồng rộng lòng tha thứ.
Thư của phạm nhân Nguyễn Việt Trường gửi cho mẹ với những dòng chất chứa nhiều cảm xúc: "Đã bao lần nước mắt mẹ đã rơi vì con. Nhưng mẹ ơi, những giọt nước mắt đó chỉ càng làm cho con đau lòng thêm và càng làm cho con thấy mình càng bất hiếu với mẹ...Với những gì mẹ đã dành cho con, mẹ chính là người đã thắp sáng niềm tin cho con để con vượt qua những khó khăn; con mong mẹ luôn bình an, khoẻ mạnh để niềm tin ấy sáng mãi trong con dẫn đường chỉ lối cho con quay về làm người lương thiện...".
Thư của phạm nhân Lê Ngọc Tiến - nguyên giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện ChưPảh) viết: "Tôi biết những lỗi lầm do tôi gây ra cho nhà trường là rất lớn và không bao giờ có thể bù đắp được. Tôi rất cần sự tha thứ của các thầy cô giáo và các em học sinh để tôi có thể vững vàng trên con đường lao động, học tập và cải tạo sớm trở về với gia đình và xã hội. Bây giờ, tôi chỉ biết viết lá thư này thay lời xin lỗi để gửi đến thầy cô và các em học sinh thân thương của tôi...".
Thông qua phong trào viết thư xin lỗi của phạm nhân, trước mắt đã có hàng chục thư hồi âm từ những người bị hại, thân nhân người bị hại gửi đến Ban lãnh đạo Trại giam Gia Trung thể hiện tấm lòng rộng mở và sẵn sàng tha thứ. Mới đây, trại giam Gia Trung đã tổ chức hội nghị phong trào phạm nhân viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi" kết hợp với buổi giao lưu nghĩa tình giữa phạm nhân và những người bị hại.
Tất cả đã rơi nước mắt khi gặp lại nhau. Người bị hại, thân nhân người bị hại thì sẵn lòng tha thứ, còn phạm nhân thì tỏ ra hối cải trước việc làm sai trái của mình. Ấn tượng nhất là phạm nhân Khổng Văn Việt ở tỉnh Kon Tum khi gặp lại cha của người đã bị mình giết hại cách đây 2 năm, đã ôm nhau như người thân trong gia đình.
Khổng Văn Việt đã bật khóc không nói nên lời, ngoài việc thành khẫn xin lỗi và ăn năn hối cải, Việt cũng xin với gia đình người bị hại sau khi cải tạo ra trại cho phép được về thắp nén nhang tạ tội với người đã khuất để thanh thản tái hoà nhập với cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Khoan (cha của người bị hại) đã rộng lượng, bao dung nói: "Cháu có tội là phải chịu tội trước pháp luật, còn đối với gia đình chú đã mất mát một đứa con thân thương không thể nào bù đắp được. Song từ khi nhận được thư xin lỗi của cháu, gia đình chú đã hiểu và thật sự xúc động bởi cháu đã nhận ra lỗi lầm. Mong cháu trong thời gian thụ án cải tạo thật tốt để sớm trở về sum họp gia đình".
Trại giam Gia Trung đang quản lý gần 3.300 phạm nhân với nhiều độ tuổi và ở nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Từ nhiều năm nay, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục cải tạo phạm nhân bằng nhiều hình thức như lao động, học tập văn hóa, học tập pháp luật, tổ chức viết báo tường, viết thư gửi lời xin lỗi... giúp cho phạm nhân nâng cao nhận thức. Năm năm trở lại đây, rại giam Gia Trung không có phạm nhân nào trốn trại và hàng năm tổ chức ân xá, giảm án cho hàng trăm phạm nhân cải tạo tiến bộ.
Văn Thông