‘Phóng viên nghị trường’ kể chuyện tác nghiệp

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV khép lại với nhiều ấn tượng về không khí sôi nổi, nhiều quyết định hợp lòng cử tri. Còn những “phóng viên nghị trường” của báo Tin tức cũng có gần 1 tháng trời đồng hành cùng kỳ họp Quốc hội, công việc vinh dự nhưng cũng đầy trách nhiệm và nhiều kỷ niệm vui, buồn.

Chú thích ảnh
Phòng viên Hoàng Dương (báo Tin tức) phỏng vấn đại biểu bên lề Quốc hội.

Vui buồn chiếc thẻ sự kiện

Một ngày tác nghiệp của phóng viên đưa tin về Kỳ họp Quốc hội thường bắt đầu bằng việc 7 giờ 30 phút phải có mặt tại Trung tâm Báo chí dưới hầm B1 Nhà Quốc hội. Độc giả có thể thắc mắc tại sao 8 giờ sáng các đại biểu Quốc hội mới họp mà đến sớm thế làm gì? Câu trả lời là, đến sớm thì mới có thẻ sự kiện, nếu không có thẻ thì chỉ có thể ngồi dưới hầm gõ máy.

Nguyên do là lượng phóng viên đưa tin về kỳ họp rất đông, nhưng số phóng viên được lên tầng 3, nơi sảnh Hội trường Diên Hồng chỉ có hạn. Vụ Thông tin của Văn phòng Quốc hội chỉ cấp mỗi buổi 30 thẻ sự kiện. Phóng viên Quốc hội quý thẻ này hơn vàng.

Có nó trong tay, phóng viên được lên tầng 3, đợi đại biểu nghỉ giải lao là lao ra săn đón, phỏng vấn.

Có 5 người đến sớm lúc 7 giờ 30 phút sẽ nhận được 5 chiếc thẻ "ưu tiên", 25 người còn lại đã có tên trong danh sách phóng viên nhận thẻ, dán từ chiều hôm trước thì có thể đến muộn hơn một chút. Nhưng như thế không có nghĩa là "ta đã có thẻ, đến lúc nào cũng được".

Sau 8 giờ 30 phút sáng hoặc 2 giờ 30 phút chiều, nếu phóng viên không tới, coi như mất cơ hội. Rất đông phóng viên khác đã trực chờ để nhận thay. Có phóng viên tuy có tên trong danh sách nhưng chỉ chậm 1- 2 phút là ấm ức ra về vì hết thẻ, chỉ có thể quan sát đại biểu qua màn hình từ Trung tâm Báo chí mà thôi.

Thế mới thấy, để gặp được đại biểu Quốc hội chẳng phải là dễ. Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, có biết bao vấn đề thời sự nóng hổi, liên quan đến quốc kế dân sinh hay những vấn đề bức xúc của cử tri mà phóng viên muốn chuyển đến đại biểu Quốc hội. Nếu bình thường có thể "alo" gọi cho các nghị sĩ để’ họ trả lời, nhưng chẳng mấy khi có cơ hội gặp được hàng trăm vị cùng một lúc để hỏi nên các phóng viên phải hết sức tận dụng cơ hội.

Vì vậy, săn thẻ sự kiện là nhiệm vụ, tuy hơi "bếp núc" một chút, vô cùng quan trọng với các phóng viên theo dõi nghị trường.

Quay lại con số 5 thẻ ưu tiên nói ở trên cũng có lắm chuyện để kể. Vì chỉ có 5 trong khi lượng người đến sớm lại nhiều hơn 5 nên không phải ai cũng dễ mà lấy được thẻ. Phóng viên Nam Hoàng (báo Tin tức) tâm sự: "Có hôm tôi đến từ 7 giờ 15 phút nhưng đã thấy 4 - 5 phóng viên nữ chầu trực trước cửa phòng phát thẻ, chỉ chờ đến giờ là phi vào. Vừa nể’ chị em đến sớm, lại vừa ngậm ngùi vì mình chậm chân, tôi đành tiu nghỉu xuống hầm".

Nhưng lại có hôm "trâu chậm uống nước trong". Do bận việc nên có phóng viên đến Nhà Quốc hội muộn, nhưng vào xin thẻ thì vẫn còn dư kha khá. Nguyên do hôm đó Quốc hội thảo luận một luật không quá "nóng", nên cánh báo chí cũng ít quan tâm hơn. "Lại có hôm xác định không thẻ nhưng được đồng nghiệp báo bạn tặng thẻ bởi bạn phải về tòa soạn gấp. Thế là tự tin đeo thẻ đi thang máy lên tầng 3, gặp anh an ninh, cười tươi roi rói: "Anh ơi hôm nay em có thẻ nhé", như để thanh minh cho chuyện bữa trước không có thẻ mà vẫn xin lên phỏng vấn để đáp ứng nhu cầu tin nóng cho báo của mình" - Nam Hoàng kể.

Chú thích ảnh
Phóng viên Tạ Nguyên tiếp cận đại biểu Quốc hội trong buổi họp tổ.

Tận dụng từng phút giải lao

Với nhiều phóng viên nghị trường, nhất là những người mới bước đầu nhận công việc này, khó khăn lớn nhất là có quá nhiều nội dung cần phỏng vấn đại biểu Quốc hội nhưng hầu như chưa biết mặt, biết tên nhiều đại biểu. Thêm vào đó, cả buổi giải lao chỉ 20 phút, làm sao để "chớp" được đúng người, hỏi được đúng câu, kịp trao đổi, ghi âm ghi hình mà vẫn không quá làm phiền các đại biểu. là những thách thức đối với các phóng viên.

Nhiều phóng viên nghĩ ra mọi biện pháp để "săn" đại biểu. Nếu quen thì gọi điện hẹn trước, hoặc tranh thủ sau các buổi họp để "đón đường" hỏi. Cũng may, các buổi họp theo tổ cũng là điều kiện dễ tiếp cận các đại biểu. Những lúc đó phóng viên phải tranh thủ, tận dụng từng phút của giờ giải lao để gặp và trao đổi.

PV Tạ Nguyên (báo Tin tức) kể lại lần đầu tiên tìm gặp đại biểu để phỏng vấn: "Tôi tìm gặp đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để hỏi ý kiến về vụ việc diễn viên 13 tuổi đóng cảnh "nóng" trong phim "Vợ ba" đang gây tranh cãi và vụ người mẫu Ngọc Trinh ăn mặc phản cảm trên thảm đỏ Liên hoan phim Canes. Đã tìm đúng đại biểu, ông đồng ý trả lời, nhưng phải đứng chờ các đại biểu giải lao, uống nước và giao lưu, trao đổi xong. Tôi loay hoay mất nửa thời gian giải lao, lo lắng phải xuống "tay không" vì sợ không đủ thời gian để hỏi mà lại không dám chạy đi tìm đại biểu khác, chỉ sợ "mất dấu" đại biểu đã hẹn, nhưng cũng không dám làm phiền đại biểu khi ông đang trao đổi công việc. May mắn, đại biểu vẫn dành cho tôi đủ thời gian để phỏng vấn và ghi hình".

Hỗ trợ “người ở nhà”

Trong điều kiện thời gian tiếp cận các đại biểu khá eo hẹp, các phóng viên nghị trường dần thích ứng để’ "hỏi nhanh đáp gọn" trong những khoảnh khắc chớp nhoáng. Bên cạnh đó, họ còn thu xếp được để tranh thủ hỗ trợ phỏng vấn thêm các nội dung để bổ sung ý kiến cho các tuyến bài của đồng nghiệp ở nhà.

Nhóm phóng viên Quốc hội báo Tin tức được "ủy quyền" phân công phối hợp cùng đồng nghiệp tại tòa soạn làm loạt bài về "Di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô". Nếu bình thường, để đặt được lịch hẹn phỏng vấn lãnh đạo các bộ, ngành không hề đơn giản, đặc biệt đây lại đang là vấn đề còn nhiều vướng mắc trên thực tế. Nhóm phóng viên Quốc hội phải "canh" suốt tại các buổi họp tổ để gặp được các đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành để hỏi. "Tôi vẫn nhớ phải chầu trực 2 buổi họp tổ của đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu để gặp được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khi tôi đến trao đổi trực tiếp, rất vui vì Bộ trưởng đã chia sẻ ngay và cũng nêu lên những khó khăn của ngành mình, giúp tôi có tư liệu để hoàn thành bài viết"- PV Tạ Nguyên chia sẻ.

Nhiều người thấy làm phóng viên nghị trường được tác nghiệp trong tòa nhà Quốc hội, tưởng là oai và không vất vả. Nhưng thực ra, bên cạnh việc lăn lộn làm thông tin thời sự về kỳ họp, vừa tác nghiệp nhanh, Ban biên tập còn chỉ đạo các phóng viên phải tìm được vấn hay để lẩy lên thành tin, bài "nằm" về sau. Từ rất nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tiên bước chân vào Nhà Quốc hội, rồi trong kỳ họp, được gặp gỡ các đại biểu, được trao đổi những tâm tư, lắng nghe những trăn trở, nguyện vọng của các đại biểu, nhiều phóng viên đã được mở mang thêm những góc nhìn mới. Để rồi khi kỳ họp kết thúc, nhìn các đại biểu hối hả ra về cũng có nhiều cảm xúc lạ.

"Ngày cuối cùng bế mạc kỳ họp, khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia được thông qua khiến không chỉ ban soạn thảo là Bộ Y tế mà rất nhiều cử tri hài lòng. Nhóm PV Quốc hội chúng tôi, cũng thấy vui như "người nông dân cày xong thửa ruộng"- các phóng viên báo Tin tức tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, tâm sự.

 

Nhóm PV Quốc hội
Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả
Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), ngày 19/6, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN