Bao đời nay, phụ nữ Mông xã Pà Cò, huyện vùng cao Mai Châu (Hoà Bình) đã gắn bó với nghề se lanh, dệt vải. Tuy vậy, hàng thổ cẩm làm ra chủ yếu dùng trong gia đình và trao đổi ở chợ phiên trong vùng.
Từ năm 2009 đến nay, hàng thổ cẩm Pà Cò đã trở thành hàng hóa có mặt ở nhiều thành phố trong nước và được khách du lịch nước ngoài tìm mua. Người có công đầu trong việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở vùng cao này chính là Mùa Y Gánh, ở xóm Pà Cò Con. Chị Gánh được dân bản mến mộ bởi đức tính cần cù lao động, chịu khó học hỏi và dám nghĩ, dám làm.
Phụ nữ Mông gắn bó với nghề se lanh dệt vải lâu đời-Ảnh CTV
Chuyện bắt đầu từ năm 2008, Mùa Y Gánh có dịp về thăm thủ đô Hà Nội, xem hội chợ triển lãm. Thấy mặt hàng thổ cẩm Pà Cò được khách hàng ưa chuộng, chị Gánh nghĩ đây là cơ hội để khôi phục lại nghề dệt cổ truyền của dân tộc mình. Về nhà, chị Gánh cùng gia đình dồn hết vốn liếng mua sợi lanh dệt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong, nhuộm bằng thảo mộc rồi gửi bán khắp nơi. Hàng đẹp nên tiêu thụ nhanh và được giá. Các cửa hàng thời trang ở Hà Nội, khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến chị đặt hàng để xuất sang xứ người. Nhóm dệt của chị Gánh được đà nhân rộng. Hiện chị đã quy tụ được 200 khung dệt cùng 150 chị em phụ nữ trong xã tham gia dệt thổ cẩm. Mỗi năm chị Gánh bán được 5 vạn sản phẩm thổ cẩm như: Vải, váy, khăn, túi đeo... thu hơn 30 triệu đồng tiền lãi. Các chị em khác tận dụng lúc nông nhàn và buổi tối dệt cũng có thu nhập từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng, một khoản thu nhập đáng kể ở vùng rẻo cao này.
Nhờ dệt thổ cẩm, gia đình chị Mùa Y Gánh đã thoát khỏi cảnh nghèo, vợ chồng chị đã mua sắm được xe máy, ti vi, nhiều đồ dùng sinh hoạt và có điều kiện nuôi con ăn học.
Nhan Sinh