Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 17/2/79, tại Đồn biên phòng 209 (đồn Pò Hèn) đã diễn ra một cuộc chiến đấu không cân sức. 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã anh dũng hy sinh khi chống lại lực lượng quan Trung Quốc đông hơn 30 lần bất ngờ tấn công. Liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhân viên cửa hàng mậu dịch cùng các cán bộ, công nhân lâm trường đã sát cánh cùng với các chiến sĩ bảo vệ biên cương. Hoàng Thị Hồng Chiêm đã anh dũng hy sinh cùng người yêu của mình, anh Bùi Viết Lượng, chiến đồn Pò Hèn. Hơn 40 năm qua, chuyện về tình yêu và tinh thần quả cảm của họ mãi còn lay động lòng người .
Từ trung tâm Móng Cái, chúng tôi theo sông Ca Long ngược lên Pò Hèn. Cảnh sắc vùng biên giới một ngày thu thật yên tĩnh. Những bản làng thấp thoáng giữa đồi núi lô nhô. Con đường tuần tra biên giới chạy bên sông đã được nâng cấp tốt hơn hẳn so với trước. Nhiều thay đổi đã đến trong cuộc sống đồng bào các dân tộc ở đây.
Chúng tôi đến thăm khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, nằm sát ngay đường biên, không xa cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Khu tưởng niệm này được tôn tạo lại vào năm 2010 trên diện tích hơn 85 ngàn mét vuông, gồm đài tưởng niệm, nhà bia, đỉnh hương, khu trưng bày... Đài tưởng niệm cao 16 mét, ốp đá trắng, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau, với ngôi sao vàng năm cánh giữa, vừa thể hiện tình yêu thương của đất mẹ với những người con đã ngã xuống trên mảnh đất này, vừa tiêu biểu cho ba dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ sống ở đây.
Hai bên đài tưởng niệm có hai tấm bia đá, ghi tên 86 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ vùng đất biên cương. Trong số này có 45 liệt sĩ của đồn biên phòng 209, liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân lâm trường cùng hy sinh đêm 17/2/79 và 13 chiến sĩ của đồn hy sinh vào các thời kỳ sau đó. Một ngày thu đầy nắng. Không gian khu tưởng niệm yên tĩnh, thành kính mùi hương trầm. Mấy chục năm đã trôi qua. Khu tưởng niệm vẫn là địa chỉ cho những đoàn khách từ mọi miền về đây tưởng nhớ những con người đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương, vì cuộc sống yên bình hôm nay.
Trên mảnh đất in đậm ký ức lịch sử, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, không chỉ với người dân Pò Hèn và cả xã Hải Sơn nói chung, với trên 1.500 nhân khẩu, bao gồm cả các thôn Lục Chắn và Thán Phún Xã. Đường sá được nâng cấp, các công trình hạ tầng, quang cảnh thôn bản khang trang hơn, đời sống người dân có những tiến bộ rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người của xã Hải Sơn, tính đến năm 2019, đạt trên 36 triệu đồng, tăng hơn 6 lần so với 10 năm trước. Số hộ nghèo và cận nghèo giảm đi rõ rệt.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân các thôn đã đóng góp hàng ngàn ngày công, hiến đất, góp tiền xây dựng hệ thống đường liên thôn, liên xã. Nhiều mô hình kinh tế, dịch vụ đang phát triển có hiệu quả. An ninh biên giới được giữ vững... Xã Hải Sơn đang là một điểm sáng trong xây dựng kinh tế và đời văn hoá, một địa chỉ du lịch hấp dẫn của thành phố Móng Cái.
Chúng tôi đã đến thăm xóm họ Đặng trên đất Pò Hèn, gần bên khu tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh. Xóm nhỏ gồm hơn 20 gia đình người Dao nằm sát ngay đường biên, bên sông Ca Long.
Xóm họ Đặng trong đổi thay chung của cả vùng vẫn có bản sắc văn hoá riêng. Đấy là những bức tranh lớn, mang hình ảnh, vẻ đẹp của cuộc sống, con người ở đây được vẽ trên tường của những ngôi nhà.Với sự giúp đỡ của ngành văn hoá và chính quyền xã, bà con trong xóm đã tổ chức lại cuộc sống. Nhà cửa, đường làng sạch đẹp, có những luống hoa dọc bên đường và thùng rác công cộng để gìn giữ môi trường. Chuồng trâu đưa ra xa nhà. Bài trí trong những ngôi nhà khá ngăn nắp, sân vườn gọn gàng.
Vào dịp lễ hội, cùng với bà con trong xã Hải Sơn, người dân xóm họ Đặng tham gia tổ chức các lễ hội và trò chơi dân gian như ném khòn, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo, đẩy gậy, đánh đu... thu hút du khách gần xa.
Những bức tranh tường đã biến xóm họ Đặng thành một làng Bích Họa độc đáo giữa vùng cao biên giới. Chúng tôi đã đến thăm nhà và trò chuyện gia đình các ông bà Đặng Chiến, Đặng Tiến, Đặng Thị Ngọc... Dẫu còn khó khăn nhưng họ yên lòng với cuộc sống ngày một cải thiện hơn. Những ngôi nhà của họ khá khang trang, hài hòa với thiên nhiên, với những bức tranh nhiều màu sắc làm nên một vẻ đẹp riêng có trên mảnh đất biên cương giàu truyền thống.