Do có quá nhiều người tới làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp trong cùng một ngày nên không tránh khỏi việc phải chờ đợi, có người thậm chí phải chờ từ 8 giờ đến đầu giờ chiều mới được giải quyết.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, đến hết tháng 4/2020, tỉnh có gần 15.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng do ảnh hưởng dịch COVID-19, hầu hết đều lao động trong các ngành dịch vụ, du lịch thuộc tư nhân quản lý.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, riêng tháng 4, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp của trên 7.400 người; tiếp nhận, cập nhật tình trạng việc làm cho trên 18.900 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, Trung tâm rơi vào tình trạng quá tải việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục, hồ sơ cho người dân tới đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để giải quyết hồ sơ, thủ tục xong và trả kết quả cho công dân trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Trung tâm đã huy động toàn bộ 30 nhân viên làm việc, đồng thời thêm 2 lao động thời vụ, nhưng vẫn không thể giải quyết kịp thời hạn.
Ông Khả cho biết thêm, nếu như cùng kỳ năm trước, mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đến việc làm thì các tháng gần đây, mỗi tháng tiếp nhận lên đến 6.000 hồ sơ, số lượng công việc tăng gấp 6 lần so với trước. Trong khi đó, việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đòi hỏi phải kỹ lưỡng, chính xác, đúng đối tượng, tránh sai sót và liên tục phải cập nhật lên phần mềm quản lý. Vì vậy, nhiều người tới làm thủ tục không tránh khỏi phải chờ đợi.
“Để giảm tải, ngoài việc tăng cường nhân lực giải quyết hồ sơ, Trung tâm đã hướng dẫn các bước cho người lao động thực hiện làm thủ tục, hồ sơ gửi qua đường bưu điện để tránh phải chờ đợi lâu và được trả kết quả tại nhà”, ông Khả chia sẻ giải pháp.
Đối với gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ triển khai về các địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tiến hành khảo sát, lập danh sách các nhóm đối tượng theo quy định của Chính phủ. Đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6) với mức 500.000 đồng/người/tháng cho trên 5.300 người có công với cách mạng; đã rà soát xong và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quyết định hỗ trợ trên 34.500 người nghèo, trên 77.660 người cận nghèo, trên .813 đối tượng bảo trợ xã hội.