Các đại diện từ 20 quốc gia đã quyết định Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông sẽ diễn ra vào ngày 14/3 - Ngày Brazil hành động chống lại các con đập lớn. Mục tiêu của ngày này là cất chung tiếng nói chống lại các dự án phát triển dưới nước mang tính phá hủy, đòi lại "sức khỏe" cho các lưu vực sông và yêu cầu chính sách quản lý công bằng và bền vững cho các dòng sông.
Việt Nam có 108 lưu vực sông; khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó 63% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ m3 đến 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa tăng nhanh dẫn tới nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng tăng. Kèm theo đó là nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật…, gây sức ép ngày càng lớn, trầm trọng đến số lượng, chất lượng của nguồn nước các sông, suối. Nhiều sông lớn ở Việt Nam đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở các vùng trung, hạ lưu các lưu vực sông, khu vực tập trung đông dân cư và khu công nghiệp, làng nghề… Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Thực tế tình trạng ô nhiễm các dòng sông, nhất là dòng sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề... và các sông nhỏ ở khu vực đồng bằng khá nghiêm trọng, việc kiểm soát, chặn đứng tình trạng này chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là các dòng sông đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải cùng với tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây ô nhiễm, tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy... Nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch do không có dòng chảy hoặc có nhưng không đáng kể và đã biến thành nơi dẫn, tiêu thoát, chứa nước thải... Đáng lo ngại là loại chất thải từ khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, bãi chôn lấp, nước thải của khu dân cư tập trung, dòng sông, dòng kênh bị ô nhiễm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp ngấm vào đất, nước và tầng nước ngầm dẫn đến ô nhiễm ở tầng nước gần bề mặt.
Ở Việt Nam, các Ủy ban Lưu vực sông vẫn nhóm họp hàng năm để đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp bảo vệ môi trường. Song, sự phối hợp giữa các địa phương trong lưu vực sông vẫn còn hạn chế. Để đảm bảo an ninh nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai các quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và thành lập các Tổ chức lưu vực sông nhằm triển khai có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng. Cùng với công tác cấp phép, đây là các cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phù hợp với điều kiện nguồn nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát điện, cấp nước nông nghiệp với việc đảm bảo lợi ích của các hộ sử dụng nước phía hạ lưu các lưu vực sông, hạ lưu các hồ chứa, đặc biệt quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân hạ du.