Nổi cộm vấn đề đô thị
Ngày 8/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 9 để xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Chủ tọa kỳ họp điều hành sẽ giảm thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để đại biểu thảo luận làm rõ các nội dung được dư luận, cử tri quan tâm. Đó là những vấn đề Thường trực HĐND, các ban HĐND giám sát, chất vấn từ các năm trước, có tính thời sự, bức xúc, nổi cộm, được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để, điển hình như vấn đề quản lý đất đai, phòng cháy chữa cháy, quản lý phương tiện giao thông…
Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XV. Trong đó, có gần 250 nhóm kiến nghị của cử tri gửi tới thành phố, tập trung vào quản lý đô thị, đất đai, giao thông, môi trường…
Liên quan đến quản lý đô thị, cử tri phản ánh: Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh dừng xây dựng các dự án nhà cao tầng trong quận nội thành và TP cũng đã có chủ trương hạn chế xây nhà cao tầng trong khu đô thị. Nhưng thực tế, nhiều nhà cao tầng vẫn mọc lên, kéo theo nhiều hệ lụy khi hạ tầng không đáp ứng được như nguy cơ cháy nổ cao ở các khu chung cư, ùn tắc giao thông…
Cử tri một số quận, huyện phản ánh, theo quy định của Thông tư 02/2016/TT- BXD, phải có trên 50% chủ sở hữu tham dự hội nghị chung cư thì việc thành lập Ban Quản trị mới có hiệu lực. Tuy nhiên, trong thực tế, quy định này rất khó thực hiện, dẫn đến Ban Quản trị được thành lập không được một số cư dân đồng thuận, không có “tiếng nói” khi điều hành các việc của tòa nhà. Đề nghị thành phố xem xét, quan tâm tháo gỡ vấn đề này.
Bên cạnh đó, trên nhiều địa quận nội thành xảy ra tình trạng xe ôtô con đỗ không đúng nơi quy định tại các tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị. Cử tri đề nghị TP xem xét quy hoạch xây dựng các khu vực trông giữ xe ô tô, xe máy cho người dân. Thành phố sớm đồng bộ hóa khi xây dựng hệ thống đường, điện, nước để tránh cắt khoan đường đã xây dựng xong. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thi công làm đường điện, nước, cáp viễn thông có biện pháp hoàn trả lại mặt đường sau thi công đảm bảo chất lượng, tránh làm hư hỏng mặt đường gây mất mỹ quan đô thị và an toàn cho người tham gia giao thông.
Đề cập đến thực trạng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội tiến độ quá chậm, cử tri nhiều quận đề nghị thành phố có kiến nghị, biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Đồng thời, tránh việc hoàn trả mặt đường kém để tránh gây lãng phí thời gian và tiền của Nhà nước.
Về vấn đề môi trường, cử tri đề nghị TP nghiên cứu, có biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất; đảm bảo bền vững trong việc xử lý các hồ, sông trên địa bàn; có kế hoạch cụ thể để kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất sử dụng rác thải nhựa. Đồng thời, tăng kiểm tra, giám sát việc cải tạo, sửa chữa hệ thống hồ đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị…
Kinh tế vĩ mô tăng trưởng khá
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. GRDP theo cách tính mới tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,66% (cùng kỳ tăng 7,12%); công nghiệp - xây dựng tăng 8,%, (cùng kỳ tăng 7,88%). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,82% (cùng kỳ tăng 6,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 12%).
Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 17,2%), trong đó, khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% (khách quốc tế có lưu trú 2,34 triệu lượt, tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 23,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8%.
Thành phố đã chủ động chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung bố trí kinh phí, huy động nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ngoại trừ chăn nuôi lợn gặp khó khăn, chăn nuôi trâu, bò và gia cầm ổn định, quy mô và sản lượng đều tăng so với cùng kỳ; sản xuất trồng trọt thuận lợi; lâm nghiệp, thủy sản phát triển tốt nên giá trị gia tăng nông, lâm và thủy sản vẫn duy trì tăng 1,15%.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển: Đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; lũy kế tổng số vốn đạt 41,2 tỷ USD (4.850 dự án vốn đăng ký 34,2 tỷ USD, 1.850 lượt góp vốn mua cổ phần vốn đăng ký 7 tỷ USD); lũy kế vốn thực hiện đạt khoảng 20,5 tỷ USD (tỷ lệ đạt 49,7%).
Thành phố quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tống số vốn đăng ký 12,6 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 34 dự án, trong đó 25 dự án tăng vốn thêm 7,1 nghìn tỷ đồng. Đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 13.690 doanh nghiệp, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiêp và tăng 1 % vốn đăng ký so với cùng kỳ).
“Tuy vậy, trong thời gian qua, hiện tượng ùn ứ giao thông vân xảy ra tại các tuyến phố có công trình đang thi công, các tuyến xuyên tâm, tuyến tập trung nhiều các khu đô thị, cơ quan, trường học. Công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư còn bất cập về sửa chữa trang thiết bị sử dụng chung, thang máy, phòng cháy chữa cháy, chống thấm, dột, tranh chấp quỹ bảo trì...”, ông Nguyễn Thế Hùng thừa nhận.
Để đạt mức tăng trưởng đề ra đầu năm là 7,4-7,6%, UBND thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn, cụ thể như: Tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất, nhập khẩu; cấp nước sạch nông thôn; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước sạch; công nhận mới và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia; giao đất dịch vụ...
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành Hà Nội. Điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả. Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường; Nâng cao chất lượng chỉ tiêu về danh hiệu văn hóa; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đối mới y tế cơ sở…