Nước có màu vàng đục, người dân nơi đây phải xây bể lắng để hạn chế những tạp chất trong nước trước khi sử dụng. Tuy nhiên, cặn bẩn trong nước không thể hoàn toàn loại bỏ, khu vực xung quanh vòi nước của các hộ gia đình luôn bám cặn màu vàng và đỏ đục.
Vướng mắc khi xã hội hóa cấp nước
Tình trạng không có nước sạch để sử dụng không chỉ tồn tại ở thôn Hà Lâm 2 mà còn ở toàn bộ xã Thụy Lâm với hơn 21.000 hộ dân. Theo số liệu của Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội, đơn vị phụ trách cấp nước cho các quận Long Biên, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh, hiện vẫn còn 3 xã của huyện Đông Anh và 18 xã của huyện Sóc Sơn chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống cấp nước.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, thôn Hà Lâm 2, huyện Đông Anh, Hà Nội, cho rằng: “Đời sống của nhân dân đã tốt lên, nhưng hiện hay nhân dân vẫn sử dụng nước từ các giếng tự khoan phục vụ sinh hoạt. Nguồn nước này bị ô nhiễm kim loại nặng, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền, Công ty nước sạch số 2 Hà Nội quan tâm, tạo điều kiện cho dự án nước sạch sớm trở thành hiện thực để đáp ứng nguyện vọng chính đáng và là mong mỏi của người dân”.
Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội là đơn vị cấp nước tập trung chủ lực trên địa bàn các quận, huyện phía Bắc sông Hồng. Hiện nay, Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội đã cấp nước cho toàn bộ 14/14 phường của quận Long Biên; 14/20 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm; 11/23 xã, thị trấn của huyện Đông Anh, 9/26 xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn; 2 xã, thị trấn của huyện Mê Linh. Năm 2021, Công ty đã phủ kín mạng lưới cấp nước cho 100% địa bàn được giao thực hiện dịch vụ cấp nước.
Xã hội hóa đầu tư vào các công trình cấp nước sạch là việc làm cần thiết đối với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh hiện nay và thành phố Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện mục tiêu xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, Hà Nội đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước có khả năng phủ kín khoảng 94% địa bàn khu vực nông thôn.
Cụ thể, trên địa bàn xã Thụy Lâm trước đây có chủ trương xã hội hóa nước sạch, đã có doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực cấp nước sạch. Nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nước sạch còn nhiều hạn chế, thách thức. Đó là công nghệ, năng lực, quy trình xử lý nước sạch của nhiều cơ sở cung cấp nước còn hạn chế; chi phí đầu tư lớn…
Chia sẻ về chủ trương xã hội hóa ngành nước, ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, hiện nay các khu vực đô thị được cấp nước, còn phần chưa được cấp nước chủ yếu rơi vào các khu vực nông thôn. Đối với khu vực nông thôn, đầu tư lĩnh vực cấp nước là tương đối lớn trong khi doanh thu tương đối thấp do nhu cầu sử dụng nước của người dân thấp. Do vậy, hiệu quả kinh tế không cao, việc thu hút các nhà đầu tư vào xã hội hóa cấp nước còn rất nhiều vấn đề cần phải xử lý.
“Với trách nhiệm của đơn vị chủ lực cấp nước trên địa bàn phía Bắc thủ đô Hà Nội, Công ty đã làm việc với đơn vị tư nhân trước đây được thành phố giao thực hiện nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải quyết được vì gặp nhiều vướng mắc trong việc xã hội hóa cấp nước. Khi đã thực hiện xã hội hóa cấp nước, Nhà nước cần ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách, bảo đảm các quy định chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình tất cả các nội dung liên quan đến quá trình đầu tư, kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch của nhà đầu tư”, ông Ngô Văn Đức nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, đến thời điểm này xã chưa triển khai được dự án nước sạch trên địa bàn. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm triển khai để đưa dự án nước sạch về địa bàn phục vụ người dân.
Cần chính sách phù hợp
Theo dự báo, mùa khô 2020-2021 cả nước có khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, tỉ lệ thất thoát, thất thu nước sạch ở mức 23%, chất lượng nước cũng còn nhiều điều phải bàn.
Ông Nguyễn Quang Huân, đại diện Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp tư nhân gặp phải nhiều khó khăn khi đầu tư vào ngành nước từ chính sách không đồng bộ, thiếu ổn định; thực hiện luật và chính sách không triệt để; không có chế tài xử lý các hành vi sai trái; không có quy hoạch chi tiết về tuân thủ quy hoạch; cơ chế kiểm tra, giám sát định kỳ; khó khăn tiếp cận vốn, tiếp cận công nghệ mới… Do vậy, để tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch đô thị, các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước. Nhà đầu tư đã trúng thầu đầu tư nhà máy nước thì địa phương phải bảo đảm quyền kinh doanh của họ.
Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nguồn lực xã hội trong đầu tư công trình cấp nước và kinh doanh nước sạch đã có: Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc sản xuất kinh doanh nước sạch: Luật đầu tư theo phương pháp đối tác công tư (PPP) có nói đến lĩnh vực nước sạch là lĩnh vực được ưu tiên: Chỉ thị số 34/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh nước sạch, (giao Bộ xây dựng chủ trì soạn thảo luật quản lý, sản xuất, kinh doanh nước sạch) dự kiến sẽ trình Quốc hội vào năm 2022.
Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước 2012 đã quy định, nước phục vụ mục đích sinh hoạt được ưu tiên hàng đầu và được ưu đãi về vốn để đầu tư những công trình cấp nước sinh hoạt và sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP quy định ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, đã quy định cụ thể các trường hợp được ưu đãi về vay vốn, miễn, giảm thuế đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả.
Luật Tài nguyên nước sắp tới sẽ tập trung sửa đổi theo hướng cụ thể hóa hơn: Ưu đãi sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt sinh hoạt sản xuất có kinh tế cao; ưu đãi về sử dụng vốn, đất và hạ tầng của nhà nước để phục vụ sản xuất cấp nước. Đây là những định hướng lớn của Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này. Luật cũng sẽ tập trung vào các quy định mới, phù hợp với Chính phủ số: Thông tin số liệu điều tra cơ bản về nguồn nước; chất lượng nước hoặc các công trình, quản lý công trình theo hướng công khai minh bạch…
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản dưới Luật, cụ thể hóa hoạt động cung cấp và tiêu thụ nước sạch: Các quy chuẩn và tiêu chuẩn về chất lượng nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước theo phương thức xã hội hóa… Mặt khác, Luật quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sở hữu công trình tài nguyên nước hoặc thực hiện các dịch vụ về nước; rà soát lại các quy định liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh trong việc cung cấp nước sinh hoạt.
Bài cuối: Nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia