Các lớp tập huấn những nội dung của Dự án thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia. |
Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và đô thị tại tỉnh Quảng Bình” bắt đầu triển khai từ tháng 4/2015 và sẽ kết thúc tháng 3/2018, với tổng kinh phí dự kiến là 600 nghìn euro, do Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Khi dự án triển khai, sẽ có 4.000 người dân được hưởng lợi trực tiếp và hơn 24.000 người được hưởng lợi gián tiếp.
Dự án được triển khai ở phường Phú Hải và xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), các xã Thuận Hóa, Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa).
Dự án gồm các hoạt động chính như: Chính quyền địa phương và người dân tại các xã, phường hưởng lợi cùng với ít nhất 4 trường học xây dựng kế hoạch hành động phòng ngừa ứng phó thảm họa và các kế hoạch dự phòng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa ứng phó thảm họa như triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tuyên truyền phổ biến kiến thức và hướng dẫn kỹ năng cho các cán bộ tham gia dự án; xây dựng các mô hình truyền thông, tổ chức các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó thảm họa…
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, tại Quảng Bình, Ban Điều hành dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kế hoạch, phương án ứng phó với rủi ro thiên tai; xây dựng mô hình truyền thông trong tình huống khẩn cấp.
Tại các địa phương được hưởng lợi, ngoài việc nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội Chữ thập đỏ địa phương, dự án còn trang bị cho xã Mai Hóa và Thuận Hóa hệ thống loa truyền thanh cảnh báo sớm; xây dựng 9 chòi tránh lũ tại xã Thuận Hóa - một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do hai trận lũ kép lịch sử tháng 10 và 11/2016.
Dự án còn thực hiện thành công các tiểu dự án nhỏ như mô hình trường học an toàn; tập huấn các kỹ năng bơi cho học sinh; lắp đặt bể chứa nước phục vụ sinh hoạt; trang bị túi sơ cấp cứu tại các trường học... Đến nay, tổng trị giá các hoạt động dự án triển khai tại Quảng Bình đạt 4,7 tỷ đồng.
Trẻ em thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi có thiên tai xảy ra. Đây cũng là đối tượng cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về ứng phó, giảm nhẹ thiên tai.
Tại huyện Tuyên Hóa, từ tháng 11/2015, đã có 3 trường học là Trường Tiểu học Thuận Hóa, Trường Tiểu học Liên Sơn và Trường Tiểu học Xuân Mai (xã Mai Hóa) được Ban điều hành Dự án lựa chọn triển khai thực hiện. Các trường này nằm ở địa bàn thường xảy ra bão lũ, ngập lụt. Việc triển khai dự án có ý nghĩa to lớn đối với địa phương cũng như giáo viên, học sinh ở đây.
Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình: Huyện có 3 trường với 740 học sinh nằm trong vùng hưởng lợi từ dự án.
Mô hình nhà tránh lũ tại những địa phương thực hiện Dự án phát huy hiệu quả. |
Thời gian qua, các trường học thuộc dự án đã thành lập Ban phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; tham gia lớp tập huấn về trường học an toàn, kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên và học sinh do dự án tổ chức.
Thông qua các hoạt động của dự án, nhận thức và kỹ năng về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu của đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh được nâng cao... Từ hiệu quả mà dự án mang lại, hy vọng rằng, mô hình trường học an toàn sẽ được triển khai nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.
Thuận Hóa cũng là một trong những địa phương được hưởng lợi từ dự án. Thời gian gần đây, chính quyền và người dân xã Thuận Hóa đã chủ động hơn trong phòng ngừa, quản lý, ứng phó và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.
Chia sẻ về hiệu quả mà dự án mang lại cho địa phương, ông Nguyễn Xuân Các, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: Thông qua các hoạt động của dự án, nhiều công trình, mô hình hữu ích đã được dự án hỗ trợ, triển khai trên địa bàn như: Xây chòi tránh lũ; công trình nước sạch cho cộng đồng; trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ các công tác quản lý, ứng phó với thảm họa thiên tai...
Nhờ đó, chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động hơn trong hoạt động ứng phó, khắc phục và giảm thiểu tối đa hậu quả do thiên tai gây ra, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
Ngày 21/12, tại Hội nghị Sơ kết quá trình thực hiện Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng ở khu vực nông thôn và đô thị tại Quảng Bình”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh, mặc dù thời gian triển khai dự án ngắn nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, đặc biệt trong việc phòng chống, ứng phó, quản lý và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Dự án có ý nghĩa và rất cần thiết với Quảng Bình, đặc biệt là những vùng, địa phương luôn chịu tác động nặng nề của thiên tai, bão lũ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng mong muốn, thời gian tới, Ban Điều hành Dự án tập trung nguồn lực, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan cam kết thực hiện đúng tiến độ, yêu cầu, đối tượng thuộc dự án; Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa Liên bang Đức tiếp tục quan tâm đầu tư tài trợ địa phương.
Các ngành chức năng liên quan của tỉnh và các địa phương hưởng lợi từ dự án cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động; phối hợp chặt chẽ với Ban Điều hành Dự án để các hoạt động được triển khai thành công, đúng kế hoạch…