Theo đó, với tinh thần chủ động, khẩn trương rà soát các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, các cấp, các ngành và địa phương đã đưa các gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với người dân kịp thời, chính xác.
Trên 9.800 người bán vé số được hỗ trợ
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, tính đến 17 giờ ngày 27/7, hơn 109.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã nhận hỗ trợ gạo, tổng kinh phí hỗ trợ trên 24,5 tỷ đồng, đạt 99,8%; trên 9.800 người người bán vé số nhận hỗ trợ 1.500.000 đồng/mỗi người, với tổng kinh phí hơn 14,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã chi hỗ trợ đối với 23 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với tổng số tiền là trên 90 triệu đồng; 5.572 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 nhận được hỗ trợ theo Quyết định 964/QĐ-UBND-HC của Ủy ban nhân dân tỉnh, với mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người, tổng số tiền hỗ trợ hơn 8,3 tỷ đồng, đạt 15,84%.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh Võ Phan Thành Minh thông tin, thành phố Cao Lãnh đã hoàn tất việc chi hỗ trợ cho các trường hợp thuộc hộ nghèo, khó khăn, người bán vé số…, trong đó 915 người bán vé số đã được hỗ trợ. Hiện, thành phố đang rà soát, khẩn trương tổ chức chi hỗ trợ cho các lực lượng lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương... do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cao Lãnh và các tổ chức chính trị xã hội vận động hơn 7 tỷ đồng (gồm tiền mặt, quà, nhu yếu phẩm) để kịp thời đưa đến người dân, giúp bà con vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, ngay từ đầu mùa dịch và những ngày Đồng Tháp bắt đầu triển khai biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, một trong những yêu cầu của lãnh đạo tỉnh là phải đảm bảo các giải pháp để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn trong xã hội.
Hiện tại, để đồng hành với người dân trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp thực hiện tiếp nhận các thông tin về các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm; thông tin về đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương và tỉnh nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin về các trường hợp khác trong xã hội cần hỗ trợ như người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ… Các thông tin này sẽ được Tổng đài 1022 chuyển đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân 12 huyện, thành phố xử lý, hỗ trợ người dân trong thời gian nhanh nhất.
Song song đó, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu, tất cả các tổ chức chính trị xã hội phải kích hoạt tổ chức các đội hình hỗ trợ cung ứng nhu yếu phẩm cho bà con, không để kênh tiếp cận các nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân bị đứt gãy. Mặt khác, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải thiết lập đường dây nóng để lắng nghe phản ánh của người dân. Sau khi nắm thông tin cụ thể, yêu cầu các đội hình tình nguyện, lực lượng hỗ trợ của địa phương ngay lập tức tiếp cận và có hình thức hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Đó cũng là cách để vận động người dân hạn chế ra đường, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Kích hoạt các đội hình tình nguyện
Đánh giá cao và trân trọng tinh thần tình nguyện, chia sẻ vì trách nhiệm cộng đồng của các lực lượng thanh niên, phụ nữ qua các mô hình "Shipper áo xanh", "Phụ nữ đi chợ hộ"…, trong thời gian giãn cách xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho rằng, đây là tinh thần nhân văn, nghĩa tình của người Đồng Tháp trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Qua đó, giúp người dân cảm thấy được ấm lòng, chia sẻ, yên tâm để cùng Đảng, chính quyền phòng, chống dịch hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo an toàn và tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Với tinh thần xung kích, tình nguyện, đoàn viên, thanh niên tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 81 đội "Shipper áo xanh" tại 10/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, với tổng số 631 tình nguyện viên. Trong đó, trên 100 đoàn viên, thanh niên tại thành phố Cao Lãnh xung phong tham gia đã có 13 đội "Shipper áo xanh" tại các xã, phường. Tuy nhiên, hiện tại các khu vực nội ô thành phố, các chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi, siêu thị vẫn còn hoạt động cho nên các mô hình xung kích, tình nguyện chủ yếu tập trung tại các xã vùng ven, địa bàn rộng, đường đi xa… để hỗ trợ người dân.
Anh Nguyễn Vũ Linh, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Phường 11 chia sẻ, đội hình "Shipper áo xanh" của phường ra mắt ngày 18/7. Hiện tại, với 15 thành viên tham gia, Đoàn phường phân chia 2 - 3 đoàn viên phụ trách 1 khóm. Với vai trò Đội phó, anh Linh cùng Đội trưởng Lê Ngọc Thơ – Bí thư Đoàn phường sẽ tiếp nhận thông tin, sau đó chuyển đến các thành viên phụ trách địa bàn, tiếp nhận đơn hàng, mua hàng hóa và giao tận nhà cho người dân. Theo đó, các thành viên sẽ tổng hợp từng đơn hàng và lên phương án mua sản phẩm; khi đến cửa hàng sẽ tiến hành báo giá cho từng đơn hàng, mặt hàng đến hộ gia đình để nắm thông tin và thống nhất chốt đơn. Sau khi đi chợ, các thành viên của đội hình phân chia thực phẩm theo từng đơn hàng đã đăng ký và giao thực phẩm đến từng gia đình. Qua thống kê, mỗi ngày trong khung giờ từ 6-19 giờ, đội tiếp nhận và thực hiện từ 20 - 71 đơn hàng, chuyến hàng cho người dân trên địa bàn phường, chủ yếu là các hộ có người già - yếu, trẻ em sơ sinh, gia đình có người thân đi cách ly… không có điều kiện đi lại.
Bà Đặng Thị Bé Tư, 72 tuổi, ngụ ở khóm 1, tổ 4, Phường 11 xúc động cho biết, hoàn cảnh neo đơn, mắt bị lòa, việc đi lại của tôi rất khó khăn. Trước đây, việc mua nhu yếu phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào bà con hàng xóm nhưng hiện tại thực hiện giãn cách xã hội, mọi người tuân thủ không ra đường khi không thật sự cần thiết nên tôi cũng gặp khó khăn khi nhờ vả. Tôi rất mừng khi có thanh niên giúp đỡ mua lương thực, thực phẩm miễn phí.
Với các đội hình tình nguyện vừa chủ động, sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn, hình ảnh lực lượng thanh niên xung kích tình nguyện hay hội viên phụ nữ như những điểm sáng, tiếp tục thể hiện sức bền trong công tác khống chế dịch bệnh, qua đó đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh cũng như niềm tin của nhân dân Đất sen hồng trong "cuộc chiến COVID-19".