Hiện tại, cả hệ thống chính trị, toàn bộ người dân Đồng Tháp đang nỗ lực tối đa để tận dụng “15 ngày vàng” khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 để nhanh chóng khống chế dịch, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao, khó kiểm soát, như: chợ và các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp…
Dừng các chợ truyền thống không bảo đảm an toàn
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhận định chợ chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhằm góp phần giảm bớt tình trạng tập trung đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống; ra quyết định tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Là “điểm nóng” về dịch COVID-19, từ ngày 11/7, huyện Cao Lãnh đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày. Với ổ dịch phát sinh khá phức tạp trên địa bàn rộng, ngày 15/7, địa phương ra quyết định tạm thời đóng cửa tất cả chợ truyền thống, các cửa hàng kinh doanh chuyển sang bán online, giao hàng tận nhà để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu, Bí thư huyện ủy Cao Lãnh thông tin, ngành chức năng huyện đã tổng hợp danh sách, số điện thoại các hộ kinh doanh, cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu để thông tin đến người dân nắm tình hình, liên hệ mua hàng bằng hình thức giao tận nhà. Đối với các hộ khó khăn, các đội tình nguyện viên để hỗ trợ cung cấp các nhu yếu phẩm tận nhà người dân.
Huyện cũng chỉ đạo các Đội tuần tra, kiểm soát hoạt động 24/24 giờ, không để xảy ra tập trung đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính những trường hợp ra khỏi nhà không có lý do chính đáng, trong trường hợp cần thiết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại thành phố Sa Đéc - nơi ghi nhận 185 ca mắc COVID-19, 843 trường hợp F1, 561 trường hợp F2 (tính từ ngày 24/6 đến 18 giờ ngày 15/7), địa phương đã quyết định tạm ngưng hoạt động 5/15 chợ do không bảo đảm giãn cách theo quy định. Tại những nơi chợ truyền thống còn hoạt động, thành phố tiến hành phát phiếu đi chợ cho người dân luân phiên theo ngày chẵn – lẻ, nhằm giảm bớt số lượng người vào chợ, ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc cho biết.
Ngoài ra, Ban quản lý chợ thành phố Sa Đéc đã tiến hành giăng dây, bố trí 16 chốt tại các chợ trung tâm thương mại, chợ thực phẩm để hướng dẫn lối ra - vào riêng biệt; bố trí người đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho người dân trước khi vào chợ. Thời gian hoạt động các chợ từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày; riêng khu vực bán hàng nông sản trên đường Lạc Long Quân và Âu Cơ, chỉ cho phép kinh doanh từ 13 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thông tin, trong 5 ngày qua, hoạt động tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống có những biến động nhất định. Đến chiều 15/7, đã có 36 chợ tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, hàng hóa không thiếu, giá cả ổn định. Hiện có 81 doanh nghiệp cơ sở đăng ký cung ứng hàng hóa 10 mặt hàng thiết yếu, trong đó có 31/81 doanh nghiệp có phương án cung ứng trong tình hình diễn biến phức tạp.
Trong hai ngày đầu (14 - 15/7), việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg một số nơi trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu, không nghiêm túc. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu các địa phương chấn chỉnh ngay việc không chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ấp cách ly với khóm/ấp, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố. Trong đó, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm: người dân ra đường khi không cần thiết, tập trung đông người… nhất là tại các chợ truyền thống.
Ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh, chợ chính là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh và rất khó khăn trong khâu truy vết, do mật độ tiếp xúc rất cao; cần kiên quyết tạm dừng các chợ tự phát tiềm ẩn nguy cơ. Đối với các chợ còn hoạt động cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ mật độ, có giải pháp bảo đảm an toàn, thông thoáng, phân luồng cho người dân khi vào chợ; đóng cửa các mặt hàng không thiết yếu. Mặt khác, các địa phương cần dự trù các phương án bảo đảm chuỗi cung ứng an toàn cho người dân trong mùa dịch; tuyên truyền người dân tăng cường mua bán bằng hình thức trực tuyến tại nhà.
Bảo đảm an toàn trong doanh nghiệp
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chỉ đạo các địa phương phải quản lý, kiểm soát chặt, yêu cầu các doanh nghiệp bảo đảm thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ, với phương châm “3 tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ; nếu không bảo đảm thì buộc tạm dừng hoạt động ngay.
Trước khi đưa công nhân vào nhà máy để thực hiện sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ", công nhân cần được xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật RT–PCR để bảo đảm cơ sở “sạch”, ngăn ngừa việc âm ỉ bùng phát dịch tại doanh nghiệp. Mặt khác, từng địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt về dữ liệu thông tin công nhân, năng lực, sức chứa bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các nhà máy đang hoạt động, ông Lê Quốc Phong chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, không được chủ quan trong bất kỳ tình huống nào. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Bí thư huyện ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các địa phương là người trực tiếp chỉ huy, phân công cán bộ trực chống dịch 24/24h, xử lý ngay các trường hợp phát sinh trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, chịu trách nhiệm khi để dịch lây lan.
Lãnh đạo thành phố Sa Đéc cho biết, trong khu công nghiệp Sa Đéc, đến chiều 15/7 đã có 12/28 công ty dừng hoạt động, - trong đó 4 đơn vị dừng do phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; 8 đơn vị không đủ điều kiện "3 tại chỗ". 16/28 đơn vị đủ điều kiện sản xuất đang hoạt động, với quy mô giảm từ 30 – 70%. Đối với các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, chỉ có một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bảo đảm đủ điều kiện tiếp tục hoạt động, với 250 lao động (giảm 620 lao động). Riêng đối với các cơ sở sản xuất có quy mô từ 20 – 30 lao động, 99/101 cơ sở đã tạm dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung thông tin, tại một công ty trong khu công nghiệp Sông Hậu (thuộc xã Tân Thành, huyện Lai Vung), qua test nhanh kháng nguyên COVID-19 đã phát hiện 3 trường hợp dương tính, với SARS-CoV-2; qua truy vết đã xác định được 25 trường hợp F1, 16 trường hợp F2. Đến chiều 15/7, trên địa bàn huyện Lai Vung có 7 doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch được tiếp tục hoạt động.
Hiện nay, 3/12 huyện, thành phố của tỉnh chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, gồm thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tam Nông. Để tiếp tục “giữ sạch địa bàn”, các địa phương này đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại doanh nghiệp. Cụ thể, huyện Hồng Ngự chỉ cho duy trì sản xuất một đơn vị bảo đảm năng lực, sức chứa cho công nhân làm việc trong điều kiện giãn cách (với 21 lao động). Thành phố Hồng Ngự đóng cửa 2 doanh nghiệp, chỉ cho phép một công ty hoạt động 50% (với khoảng 100 công nhân). Huyện Tam Nông có 9/10 doanh nghiệp tiếp tục hoạt động (với số lượng ở lại làm việc khoảng 2.000 công nhân, giảm hơn 50% công nhân), đóng cửa một doanh nghiệp may mặc không bảo đảm điều kiện.
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 58 doanh nghiệp (có trên 100 công nhân) đang thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly người lao động "3 tại chỗ"" với hơn 23,6 nghìn lao động; 22 doanh nghiệp với trên 16,4 nghìn lao động phải tạm ngừng hoạt động.