Quân và dân Đắk Lắk vững vàng bảo vệ biên cương

Quân và dân Đắk Lắk luôn đoàn kết, gắn bó trong đời sống và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia và 4 xã thuộc hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp thuộc địa bàn biên giới. Quân và dân Đắk Lắk luôn đoàn kết, gắn bó trong đời sống và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, trước những thách thức trong tình hình mới, nhân dân vùng biên càng có vai trò quan trọng, góp phần củng cố nền biên phòng toàn dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới. 

Chú thích ảnh
Đồn Biên phòng Sêrêpốk phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn tổ chức tuần tra khu vực biên giới.

Quân với dân như “cá với nước”

Đồn Biên phòng Sêrêpốk (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới với chiều dài 12,2 km, trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã phối hợp tốt với các cấp chính quyền cùng nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Một ngày nắng cuối tháng 2, già làng và những bạn trẻ xã Krông Na hào hứng, tích cực cùng bộ đội biên phòng tuần tra khu vực biên giới, kiểm tra từng đường biên, cột mốc trên địa bàn được giao quản lý. Đây là hoạt động thường xuyên nhằm huy động sức dân, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân khu vực biên giới về chủ quyền lãnh thổ.

Một trong những “cây đại thụ” của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, già làng Y Mosk Hra, buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na chia sẻ: Bao đời nay, người Ê Đê của buôn Đrăng Phốk đã gắn bó vùng biên giới và bộ đội biên phòng. Do đó, khi được Đảng, Nhà nước huy động tham gia tuần tra, ai nấy đều “ưng cái bụng” và tham gia hết mình nhằm góp phần nhỏ công sức vào nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ. Bên cạnh đó, bà con trong buôn cũng luôn ý thức về trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự và lao động sản xuất để xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Krông Na cho biết: Địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ về công tác biên phòng toàn dân, giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Từ đó, người dân dần nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân biên giới, tham gia tích cực vào công tác bảo vệ an ninh trật tự biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đến đầu năm 2023, đã có 12 tổ chức, 206 gia đình, 290 cá nhân tự nguyện tham gia thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, tích cực phối hợp với bộ đội biên phòng tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới.

Theo Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpốk, dù đời sống còn khó khăn nhưng trong những năm qua, nhân dân khu vực biên giới xã Krông Na vẫn phát huy tốt vai trò của mình trong bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ. Đặc biệt, người dân phối hợp tốt với lực lượng bộ đội biên phòng để tuần tra biên giới, kiểm tra hệ thống cột mốc góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu nhấn mạnh, bộ đội biên phòng và nhân dân như “cá với nước”, bộ đội biên phòng thường xuyên có các hoạt động chăm lo sức khỏe, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai… từ đó góp phần xây dựng hậu phương vững chắc. Mỗi người dân đều trở thành một “cột mốc sống” hỗ trợ bộ đội biên phòng trong bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong tình hình mới.

Xây dựng vùng biên trên quê hương thứ hai

Không chỉ có các dân tộc tại chỗ tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc mà đồng bào các dân tộc di cư từ phía Bắc xây dựng kinh tế mới trên quê hương thứ hai cũng ra sức cùng bộ đội biên phòng gìn giữ an ninh biên giới, bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

Vinh dự và tự hào trong lần đầu tiên tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc, chị Hà Thị Phê, thôn Đừng Nhạp, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp chia sẻ: Gần 20 năm nay, người Thái di cư từ phía Bắc vào sinh sống trên địa bàn xã Ia Lốp nhận được sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng, sự giúp sức của chính quyền địa phương để ổn định đời sống kinh tế. Lập nghiệp trên quê hương thứ hai, đặc biệt là sinh sống ngay trên khu vực biên giới, đồng bào người Thái luôn ý thức về việc gắn kết, phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ và xây dựng vùng biên ngày càng giàu mạnh.

Đại úy Đinh Ánh, Đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng Ea Hleo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc phối hợp với nhân dân và các lực lượng khác để tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới là hoạt động thường xuyên của đơn vị. Trong quá trình phối hợp tuần tra, tại các vị trí cột mốc, khu vực giáp biên giới, đơn vị thường xuyên kết hợp tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước và nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân sinh sống ở vùng biên đối với việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ea Hleo (Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk): Đơn vị quản lý, bảo vệ khu vực biên giới trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Địa bàn có 15 dân tộc sinh sống theo dự án di dân phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng từ năm 2004, trong đó chủ yếu là hai dân tộc Thái và Kinh. Đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

“Mặc dù bà con trên địa bàn xã là dân di cư từ các tỉnh khác đến sinh sống, nhưng trên quê hương thứ hai, người dân đã tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ở vùng biên. Đặc biệt, quần chúng nhân dân trở thành một lực lượng quan trọng, kết hợp với bộ đội biên phòng đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới và bảo vệ từng đường biên, cột mốc, góp phần củng cố nền biên phòng toàn dân, phát huy thế trận lòng dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, Trung tá Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk có 51 thôn, buôn, trong đó đã có 23 tập thể, 421 gia đình, trên 3.290 cá nhân tự nguyện cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và 14 tập thể, 350 hộ, trên 1.350 cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản đường biên, cột mốc. Chính quyền các địa phương và các già làng, người có uy tín trong cộng đồng luôn truyền cho các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, trách nhiệm của cá nhân đối với buôn làng, đất nước.

Chú thích ảnh
Đồn Biên phòng Sêrêpốk phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về công tác bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc đến nhân dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Vừa là già làng vừa là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ông Y Khái Niê, buôn Ea Mar, xã Krông Na chia sẻ: Để thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa, giá trị của chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, những thanh niên ưu tú của buôn làng đều được huy động tham gia các đợt tuần tra, kiểm soát biên giới với bộ đội biên phòng. Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt thôn, buôn, già làng cũng phối hợp với bộ đội biên phòng tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, xây dựng phát triển vùng biên và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đây đều là các vấn đề quan trọng, cần thiết để thế hệ trẻ hiểu rõ, thấm nhuần, nối tiếp truyền thống của buôn làng trong công cuộc xây dựng buôn làng và bảo vệ biên giới quê hương.

Có mặt trong đội hình thanh niên tham gia tuần tra, kiểm soát biên giới, chị H Nhiêu Byã (20 tuổi, trú buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) xúc động cho hay, lần đầu tiên đứng trước cột mốc nơi biên cương của Tổ quốc, chị rất vinh dự và tự hào khi là người con của buôn làng tham gia bảo vệ biên giới, đồng thời thấu hiểu được nỗi vất vả, sự hy sinh của chiến sĩ biên phòng khi làm nhiệm vụ.

"Đây cũng là dịp để bản thân hiểu rõ hơn về biên giới quốc gia, từ đó có thể tuyên truyền đến người thân, bạn bè nhất là các bạn trẻ trong buôn cùng nuôi dưỡng tinh thần, ý thức, trách nhiệm của công dân biên giới đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự khu vực biên giới; góp phần cùng bộ đội biên phòng xây dựng biên giới ổn định và phát triển trong tương lai", chị H Nhiêu Byã bày tỏ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn Lê Tiến Dũng khẳng định: Chính quyền địa phương xác định việc giáo dục cho thế hệ trẻ về nhiệm vụ, trách nhiệm ở khu vực biên giới là điều cần thiết và vô cùng quan trọng. Do đó, địa phương luôn phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng hướng công tác tuyên truyền đến thế hệ trẻ trong buôn nhằm duy trì “mạch” truyền thống của buôn làng đối với nhiệm vụ xây dựng vùng biên và ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền biên phòng toàn dân.

Giữa vùng biên đầy nắng và gió, sự gian khổ, những “giọt mồ hôi” của quân và dân Đắk Lắk trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ càng tô thắm thêm lịch sử vẻ vang trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Đó cũng là sự khẳng định của quân và dân khu vực biên giới trong việc duy trì vững vàng sự ổn định, phát triển của dải đất biên cương.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc
Thắt chặt tình quân - dân nơi biên cương Tổ quốc

Đóng chân trên địa bàn biên giới Lai Châu, song song với việc thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, các Đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tích cực phối hợp cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giúp nhân dân biên giới dựng nhà, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân nơi biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN