Giống lợn Khùa của người dân tộc thiểu số phân bố dọc dãy Trường Sơn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thịt thơm ngon, tỷ lệ nạc cao, thịt mỡ ăn giòn, chắc. Khả năng chống chọi với bệnh tật của giống lợn này cũng cao hơn hẳn so với các giống lợn nhà. Giống lợn này có giá trên thị trường 180.000-200.000 đồng/kg. Tuy nhiên nguồn gen quý hiếm này đang có nguy cơ mất dần do người dân ít chăn nuôi giống lợn này.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do lợn chậm lớn, trọng lượng tối đa đạt 35-40 kg. Tỷ lệ sinh rất thấp, chỉ 6,5 con/ổ (lợn Móng Cái đạt tỷ lệ sinh 10-14 con/ổ). Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi Việt Nam), ở Quảng Bình có hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) còn nhiều giống lợn này nhất, tuy nhiên cũng chỉ có 27 hộ còn nuôi lợn Khùa. Giống lợn này được những người dân tộc nuôi theo phương thức thức thả rông, tự kiếm ăn và không có chuồng trại. Hiện, chưa có nghiên cứu khoa học về phương thức chọn lọc và nhân giống, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh cũng như hướng khai thác hợp lý để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển, hiệu quả kinh tế và hướng sử dụng giống lợn Khùa tại vùng núi Quảng Bình” trong thời gian từ năm 2008-2010, nhằm duy trì, phát triển bảo vệ nguồn gen quý của giống lợn Khùa. Cũng theo đề tài này, khi cho lai giống lợn Khùa thuần chủng với lợn rừng thuần chủng được con lai F1 có năng suất, chất lượng thịt tốt hơn hẳn giống lợn Khùa và lợn rừng thuần chủng bởi con lai F1 cải thiện được tốc độ tăng trọng, tầm vóc cũng như chất lượng thịt thơm ngon hơn, mở ra hướng chăn nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao cho người dân tộc nơi đây.
Trịnh Duy Hưng - TTXVN