Đặc biệt, chiều tối 17/10, nước bắt đầu dâng cao tại một số nơi, đe dọa sẽ khiến nhiều ngôi nhà bị ngập lụt trong đêm.
Tại huyện miền núi Minh Hóa mưa lớn cùng với nước lũ từ thượng nguồn tràn về đã gây ngập sâu ở ngầm tràn về xã Minh Hóa, chia cắt toàn bộ địa phương này. Tại “rốn lũ” Tân Hóa, nước lũ dâng cao làm ngầm Bến Seeng ngập hơn 1m, chia cắt thôn 4 và thôn 5 của xã.
Tại xã Thượng Hóa, đường vào 3 bản đồng bào Rục, nước đã ngập sâu hơn 1m, kéo dài khoảng 3km tại Hung Trâu. Tại 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, các ngầm Ka Ai, Ka Định, Hà Nông, Co Pi cũng đã ngập sâu hơn 1m, chia cắt tạm thời 11 bản gồm 900 hộ dân.
Trước những diễn biến của mưa lũ, chính quyền địa phương đã phối hợp với chỉ huy công trường Thủy điện La Trọng di dời 25 công nhân tại 2 lán trại đến khu vực an toàn, trước nguy cơ sạt lở có thể xảy ra.
Trước đó, UBND huyện Minh Hóa đã dự trữ 10 tấn gạo tại Đồn Biên phòng Cà Xèng (5 tấn) và Đồn Biên phòng Ra Mai (5 tấn) để kịp thời cấp phát, hỗ trợ người dân trong trường hợp mưa lũ, chia cắt kéo dài.
Bên cạnh đó, lực lượng công an, quân sự huyện Minh Hóa đã điều động ca nô, lực lượng xuống các khu vực xung yếu gồm: Bến đò đi xã Minh Hóa, xã Tân Hóa, 2 địa phương có nguy cơ ngập lụt và chia cắt dài ngày để túc trực, ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt ở các xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, chính quyền địa phương ra thông báo nghiêm cấm người vào rừng và đánh bắt cá trên suối lúc lũ lớn, nước chảy xiết.
Tại thị xã Ba Đồn, mực nước sông Gianh lên nhanh do nước từ thượng lưu chảy về kết hợp triều cường lên nên đường giao thông tại các vùng cồn bãi đã bị ngập. Mực nước cách kè chống xói lở 0,5-1m; các tuyến đường tại các địa phương như: thôn Công Hòa xã Quảng Trung, thôn Tiên Xuân xã Quảng Tiên… một số điểm tại xã Quảng Văn và một số khu chợ ven sông đã bị ngập lụt…
Qua kiểm tra, ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn đề nghị các địa phương tích cực triển khai, theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ để có phương án phù hợp, chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt là rà soát, kiểm tra phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, vùng cồn bãi có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn.
Tại huyện Quảng Ninh, tính đến 14 giờ chiều 17/10, toàn huyện có 15 thôn, bản bị chia cắt, trong đó có bản Khe Ngang, Khe Dây, Lâm Ninh, Hang Chuồn và thôn Trường Nam (xã Trường Xuân); bản Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn, Dốc Mây (xã Trường Sơn), khu vực thôn Đồng Tư (xã Hiền Ninh)... Một số nơi có ngập lụt cục bộ.
Riêng tại xã Hàm Ninh, có 1 người bị mất tích khi chèo đò đi kiểm tra ao hồ nuôi trồng thủy sản. Hiện huyện Quảng Ninh đang chỉ đạo lực lượng Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với các đơn vị, địa phương khẩn trương tìm kiếm.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, huyện đã chỉ đạo các xã cử lực lượng chốt chặn tại các ngầm, tràn, các điểm bị ngập để quản lý người qua lại, đồng thời yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ.
Tại huyện Lệ Thủy, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ngập lụt gây ách tắc và chia cắt. Một số điểm ở Quốc lộ 9B, 9C bị sạt lở khiến người dân và các phương tiện không thể qua lại.
Chiều 17/10, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trực ban 24/24, tham mưu kịp thời khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị, phương tiện, nhiên liệu, vật tư y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cần.
Những vùng thường xuyên bị chia cắt, bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét, cần có phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, không để xảy ra sự cố, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân; đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các khu cách ly tập trung do dịch COVID-19, đề phòng bị chia cắt lâu dài.
Hiện nay, các huyện, thị xã và các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Quân sự, Công an đang khẩn trương giúp dân, di dời dân những nơi xung yếu, có nguy cơ bị ngập, sạt lở… tới nơi an toàn. Đã có hơn 1.000 hộ dân được di dời…