Quảng Nam tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh ngày 18/11 đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Nhà cửa, đường sá, ruộng vườn tại huyện Duy Xuyên bị ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: Nguyễn Sơn - TTXVN


Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo và chủ động đưa nhân dân đang ở các điểm sơ tán trở về nhà đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để tình trạng thiếu đói, dịch bệnh xảy ra; huy động lực lượng tại chỗ phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ưu tiên trước mắt cho việc tập trung sửa chữa, dọn vệ sinh trường học, trạm xá bị hư hỏng, xử lý vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất; nghiêm cấm người dân ra sông vớt củi.

Các sở, ban, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thu gom rác thải, giải quyết tốt vệ sinh môi trường vùng bị lũ lụt; thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước; khôi phục các cơ sở y tế để phục vụ khám chữa bệnh, không để thiếu thuốc chữa bệnh cho nhân dân; tập trung lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đất trên tuyến đường, đảm bảo thông xe, đi lại an toàn.

Lực lượng chức năng tiếp tục chốt chặn ở những vị trí nước chưa rút để đề phòng tai nạn xảy ra khi người dân lưu thông qua lại. Các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, tổng hợp và báo cáo chính xác tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh.

Trận lũ lịch sử vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại tỉnh Quảng Nam. Đến ngày 18/11, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xác định được mức thiệt hại cụ thể. Trên cơ sở báo cáo nhanh của các địa phương, cơ quan chức năng sơ bộ xác định đã có 5 người chết do lũ. Toàn tỉnh có 77.742 ngôi nhà, 58 trường học bị ngập lũ; 150 ha lúa vụ đông ở huyện Duy Xuyên và hơn 1.000 ha rau màu bị ngập úng; 935 con gia súc và 23.750 con gia cầm bị lũ cuốn trôi. Huyện Đại Lộc và Điện Bàn bị lũ cuốn trôi và thất thoát 27 tấn cá lồng bè.

Hệ thống công trình thủy lợi đầu mối vẫn đảm bảo an toàn, tuy nhiên hiện vẫn còn ngập trong nước. Mưa lũ cũng làm hư hỏng và sạt lở một số tuyến đường như gãy cầu Bình Đào (Thăng Bình), 3 cầu treo bị đứt (Nam Giang). Tuyến đường ĐT 616 có 4 điểm bị sạt lở.

Các tuyến giao thông từ trung tâm huyện về các xã ở huyện Nam Trà My bị sạt lở khoảng 60.000m3. Lũ cũng đã làm ngã 141 trụ điện; trong đó 120 trụ điện phục vụ thủy lợi hóa đất màu tại huyện Duy Xuyên và Điện Bàn, 3 trụ điện hạ thế tại Nông Sơn; hơn 12.500 m dây điện tại huyện Duy Xuyên và 1.230 m dây điện tại huyện Điện Bàn bị lũ cuốn trôi, hư hỏng. Tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra ước tính hàng trăm tỷ đồng.


Nguyễn Sơn
Quảng Nam: Lũ rút chậm, 5 người chết và mất tích
Quảng Nam: Lũ rút chậm, 5 người chết và mất tích

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mưa ngừng, lũ trên các sông bắt đầu xuống chậm. Tính đến trưa 17/11, tỉnh đã có 5 người chết và mất tích do lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN