Theo công điện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão lũ cho đến khi bão tan.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 17 giờ 30 ngày 10/9 cho đến khi bão tan, tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; tiếp tục thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
Bên cạnh đó, lực lượng Biên phòng cùng với các lực lượng địa phương hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; đặc biệt, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè trước 18 giờ ngày 11/9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển hướng dẫn kỹ thuật neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn, hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch COVID-19 cấp huyện, cấp xã đến cộng đồng để nhân dân biết, chủ động ứng phó. Các địa phương phát huy phương châm "bốn tại chỗ" trong công tác phòng, chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân nơi khó khăn. Huy động mọi lực lượng hỗ trợ nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, chằng néo và có các biện pháp bảo vệ trụ ăng-ten,… đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ; khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, hoàn thành trước 18 giờ ngày 11/9.
Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh triển khai lực lượng tại các giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có bão; phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn...
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra cho nhân dân, các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.