Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1611/QĐ- UBND ngày 30/10/2014 với tổng mức đầu tư hơn 695 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, tổng diện tích đất sử dụng là 85ha; giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Ban đầu, dự án có mục tiêu chính là phục vụ tái định cư cho các hộ dân di dời thuộc mặt bằng Nhà máy điện Sembcorp. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản tạm dừng thực hiện Nhà máy này để chuyển sang nghiên cứu dự án điện khí. Do đó, UBND tỉnh có Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 19/5/2021 phê duyệt điều chỉnh mục tiêu dự án, phục vụ tái định cư cho các dự án trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất.
Theo phê duyệt, thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến 2018. Sau đó, UBND tỉnh điều chỉnh hoàn thành dự án đến năm 2020 tại Quyết định số 02/QĐ- UBND ngày 2/1/2020.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, đến nay, các gói thầu xây lắp chỉ mới hoàn thành được 67%, trong đó, hạng mục kè chống sạt lở và tuyến đường ven kè hoàn thành vào năm 2018; hạ tầng cơ bản hoàn thành công việc san nền tại lô 7 và một phần lô 8, 9 với diện tích 18,6 ha vào cuối năm 2020; tổng số lô đất là 400/1077 lô. Các hạng mục còn lại đều dở dang, chậm tiến độ.
Ông Nguyễn Thạch, thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông cho biết, năm 2015, gia đình ông tiến hành tháo dỡ nhà cửa và bàn giao lại hơn 9.000 m2 đất (đất ruộng, đất vườn, hồ nuôi tôm) cho chủ đầu tư và nhận số tiền đền bù 2 tỷ đồng. Gia đình phải đi thuê nhà để ở tạm và mãi đến tháng 6/2021 mới được bố trí đất tái định cư.
Điều làm ông Thạch bức xúc là khi vào đây, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, gia đình phải tự bỏ tiền ra lắp đồng hồ, kéo dây điện từ vị trí khá xa về nhà; khoan giếng để có nguồn nước sạch sử dụng. Thậm chí, ông còn nơm nớp nỗi lo mất sinh kế vì tuổi đã cao không thể xin được việc làm. “Bao nhiêu năm trời đi ở trọ, tiền bạc lần lượt 'đội nón ra đi', giờ chỉ còn một ít để xây nhà mà thôi, không biết tương lai sẽ ra sao nữa", ông Thạch bộc bạch.
Cạnh đó, hộ ông Nguyễn Dân phải sống trong căn nhà tạm bợ, xuống cấp. Ông kể, trước kia, gia đình ông làm nông. Sau khi bàn giao mặt bằng cho dự án, gia đình không còn đất đai để canh tác nữa. 2- 3 năm nay, ông phải ra tận xã Bình Chánh để xin theo tàu vươn khơi hành nghề khai thác mực xà kiếm tiền nuôi vợ con. Cuộc sống muôn phần khổ cực, thiếu thốn.
Cũng theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân khiến dự án này ì ạch là do năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư còn yếu, buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều vi phạm, chưa quyết liệt chỉ đạo; chưa phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai; còn để xảy ra việc thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ của viên chức; chưa kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý vướng mắc phát sinh, thiếu kiên quyết với nhà thầu vi phạm tiến độ.
Cùng với đó, việc phối hợp trong thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa còn chậm, có nhiều sai sót, có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; việc thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân còn nhiều vướng mắc…
Ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cho hay, dựa trên nhu cầu chính đáng, bức xúc của nhiều hộ dân, nhất là những hộ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ, địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm quan tâm, xem xét, bố trí đất tái định cư cho người dân.
Ông Lương Trọng Nguyên, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi thông tin, hạ tầng chậm trễ một phần là do quá trình thực hiện lâu nay giữa các đơn vị liên quan chưa thật sự nhịp nhàng. UBND tỉnh đã cho phép gia hạn tiến độ dự án đến cuối năm 2022. Ban Quản lý hiện đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND huyện Bình Sơn tích cực tham mưu cho UBND tỉnh để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho chuyển đổi toàn bộ đất lúa thuộc dự án sang đất tái định cư.
“Ban Quản lý đã tổ chức hoàn thiện 3 lô đất 7,8,9 với khoảng 400 lô tái định cư để phục vụ việc cấp đất cho nhân dân đối với các dự án cần thiết. Sau khi thiết kế dự toán điều chỉnh theo kết luận thanh tra, được cấp thẩm quyền phê duyệt, Ban Quản lý có nhiệm vụ hoàn thiện hạ tầng từng khu vực và phấn đấu hoàn thành dự án đúng tiến độ mà UBND tỉnh giao”, ông Lương Trọng Nguyên, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho biết.
Việc đẩy nhanh tiến độ là hết sức cần thiết bởi điều cốt lõi của dự án là tái định cư cho người dân. Chính vì thế, các ngành chức năng của tỉnh cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, không để người dân phải chờ đợi nữa.