Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao và không khí lạnh tăng cường, từ đêm 14/11 khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Ngư dân Đà Nẵng giúp nhau kéo tàu thuyền vào sâu trong bờ để tránh bão số 13 tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Dự báo, trưa đến chiều 15/11 lũ trên các sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc dưới mức báo động 3 là 0,50m; sông Vệ tại trạm Sông Vệ ngang mức báo động 3; sông Trà Câu tại trạm Trà Câu ngang mức báo động 3. Ngày và đêm nay (15/11), vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7, biển động mạnh.
Để chủ động phòng, chống lũ đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn, sáng 15/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi có Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các Sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động nguy hiểm.
Đặc biệt lưu ý các khu vực dân cư vùng trũng, thấp, vùng sạt lở ven sông, ven biển, sạt lở núi, vùng hạ du các hồ chứa phải kiểm tra, rà soát và sẵn sàng phương án di dời, sơ tán theo kế hoạch, phương án ứng cứu các công trình đê, kè xung yếu, kế hoạch bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Hiệu trưởng các trường học, tùy theo tình hình mưa, lũ thực tế của địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh; không cho học sinh đi lại qua những đoạn đường thường xuyên bị ngập, có nước chảy xiết, các ngầm tràn giao thông.
Quảng Ngãi nghiêm cấm các đò, ghe thuyền hoạt động trên sông khi có lũ; tổ chức cắm biển báo và phân công người canh gác 24/24 giờ tại các khu vực có nước chảy xiết, ngầm, tràn giao thông, các tuyến đường thường xuyên bị sạt lở để hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn; tuyệt đối không để nhân dân vớt củi, đánh cá khi có nước lũ dâng cao.
Đặc biệt, các chủ hồ chứa nước, các công trình thủy điện triển khai phương án phòng, chống lụt, bão đã được phê duyệt; theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, tình hình thấm qua nền và thân đập, nước tràn qua đỉnh đập thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du; chủ động phát hiện và triển khai lực lượng, thiết bị để xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, nếu vượt quá khả năng phải kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xử lý. Các ngành, địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Nguyễn Đăng Lâm