Quảng Ngãi: Ruộng ở Tây Trà bị bỏ hoang vì công trình thủy lợi

Công trình thủy lợi tiền tỷ bỏ hoang. Ảnh: Internet

Huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) là huyện có diện tích đất trồng lúa nước ít nhất tỉnh, nhưng đã 5 vụ lúa qua, hơn 10 ha ruộng của nông dân phải bỏ hoang chỉ vì công trình thủy lợi Trà Phong thi công chậm, bất hợp lý gây bức xúc cho bà con.

Công trình thuỷ lợi Trà Phong được khởi công xây dựng từ tháng 11/2009 với tổng nguồn vốn trên 5,3 tỷ đồng. Công trình gồm 2 đập dâng là Nước Niêu và Sông Riềng, hệ thống kênh đấu nối dẫn nước dài hơn 2,5km và công trình trên kênh. Trong đó, đập dâng Nước Niêu có thân đập dài 24m, cao 1,8m bằng bê tông cốt thép; đập Sông Riềng có chiều dài 69m , là đập rọ đá lưới thép. Theo thiết kế, sau khi hoàn thành, đập này sẽ đảm bảo nguồn nước tưới 2 vụ/năm cho khoảng 30 ha lúa nước thuộc xã Trà Phong-đồng lúa có diện tích lớn nhất ở huyện vùng cao Tây Trà. Tuy nhiên, đã quá thời hạn phải hoàn thành hơn 1 năm nhưng đến nay, công trình chẳng những chưa xong mà còn bị hư hỏng.

Tại đập dâng nước Sông Riềng, 1/3 đoạn đê dài 69m, rộng 4m đã bị lũ cuốn trôi, nguồn nước tại đây không thể ngăn lại được. Điều đáng nói là tại đoạn đê này có hệ thống mương dẫn nước bằng bê tông đã được đầu tư từ dự án khác, nối liền với công trình này có đoạn mương làm mới trên 400m, nhưng đến nay đoạn mương cũ đã bị vùi lấp sâu trong lòng đất không còn thấy nữa, đoạn mương mới thì chưa hoàn thành.

Tại cụm đầu mối của đập dâng Nước Niêu, do đơn vị thiết kế đã thiết kế phần tràn của đập quá thấp dẫn đến tuyến kênh lấy nước của đập cũng thấp so với cao trình của tràn đập nên không phù hợp với thực tế địa hình. Vì vậy, kênh bị bồi lấp , nước không thể chảy vào ruộng. Ống thép lấy nước dẫn từ thân đập không bố trí van xả cát nên qua những đợt mưa lũ cát bồi lắng không thể lấy nước.

Như vậy công trình thuỷ lợi lớn nhất huyện miền núi Tây Trà qua 3 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành và mang lại hiệu quả phục vụ sản xuất cho nhân dân, nguồn nước không đến được đồng ruộng. Hơn 10 ha diện tích ruộng của xã Trà Phong phải bỏ hoang vì không có nước tưới.

Do nhân dân kiến nghị nhiều nên huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra để tìm hướng khắc phục công trình này, nhưng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, vì công trình có đấu nối với nhiều đoạn mương cũ, không đảm bảo tưới tự chảy, đơn vị thi công công trình quá chậm.

Ông Trương Công Danh, Giám đốc Ban quản lí các dự án đầu tư và xây dựng huyện Tây Trà cho biết: Qua giám sát của HĐND huyện thì đúng thực tế công trình này không đạt yêu cầu. Chúng tôi sẽ khắc phục ngay hư hỏng của công trình để nhân dân có điều kiện sản xuất.

Trước thực trạng đập thuỷ lợi Trà Phong không mang lại hiệu quả như mong đợi, nông dân ở Tây Trà đã vận động nhau đắp đập bổi tại thượng nguồn đập Nước Niêu và đào đắp nhiều đoạn kênh mương để dẫn nước vào ruộng, kịp thời phục vụ sản xuất vụ Đông – Xuân sắp tới. Nhưng người dân không khỏi lo âu khi mưa lũ sẽ cuốn trôi đập bổi và kênh đất.

Đinh Thị Hương/TTXVN

Giải quyết hậu quả hồ thủy lợi Khe Canh (Nghệ An) gây ngập lụt
Giải quyết hậu quả hồ thủy lợi Khe Canh (Nghệ An) gây ngập lụt

Tỉnh Nghệ An đã có kết luận về những ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến dự án thủy lợi Khe Canh nằm trên địa bàn xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN