Gia đình ông Trần Đình Sơn ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp nuôi 9 con bò lai. Ban đầu chỉ có 1 con có triệu chứng loét miệng, bỏ ăn, sưng chân, sau đó đã nhanh chóng lây lan sang tất cả đàn bò trong chuồng. Khi phát hiện, ông Sơn thông báo với thú y xã để tổ chức điều trị và khoanh vùng dịch.
“Sau khi đàn bò của tôi bị lở mồm long móng thì đầu tiên tôi báo cho thú y xã và huyện. Cán bộ thú y hướng dẫn cho gia đình tôi rửa vết thương, lau mồm cho bò bằng chanh và nước muối, cách ly với những con chưa bị nhiễm bệnh nên đến nay đàn bò đã tạm ổn được 90%”, ông Sơn cho biết.
Dịch bệnh lở mồm long móng xuất hiện đầu tiên trên đàn bò 4 con của một gia đình ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp từ ngày 20/7. Đến nay, dịch lở mồm long móng đã lây lan làm cho 110 con bò của 18 gia đình trong xã bị nhiễm bệnh. Trong đó có 54 con đã được chữa khỏi. Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh trên đàn bò, xã Tịnh Hiệp đã triển khai các biện pháp phòng chống như tổ chức phun 36 lít hóa chất tiêu độc khử trùng, rải hơn 500 kg vôi bột tại các khu vực nuôi, bãi chăn thả, lối đi lại và tại các đầu mối giao thông.
Để ngăn chặn dịch lây lan sang địa bàn khác, xã Tịnh Hiệp đã phân công cán bộ thú y xã phối hợp với thú y huyện tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại, hướng dẫn người dân cách ly điều trị bệnh cho gia súc, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại khu vực xung quanh…
Ông Phạm Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh Hiệp, cho biết, để thực hiện biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, Ủy ban nhân dân xã đã có văn bản xin Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh hỗ trợ khoảng 2.500 liều vắc xin lở mồm long móng để tiêm phòng cho đàn trâu, bò của xã; tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tự tiêu độc, khử trùng, dọn vệ sinh chuồng trại, không chăn thả trâu bò ra ngoài đồng ruộng.
Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống, dập dịch, xã Tịnh Hiệp cũng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng ngừa đối với những vùng chưa có dịch; cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện những điểm dịch mới có thể phát sinh để có biện pháp xử lý, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.