Đợt mưa lũ lịch sử trong các ngày 25-29/7 tại Quảng Ninh để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân Quảng Ninh sớm ổn định cuộc sống.
Chưa lường hết thiệt hại
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến 21 giờ ngày 28/7, trên địa bàn tỉnh đã có 15 người chết, 7 người mất tích do mưa lũ.
Ngoài ra, hơn 2.260 hộ dân, trường học, bệnh xá trong tỉnh bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 2,0m (thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn), nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại; ngập cục bộ một số đoạn trên các tuyến giao thông huyết mạch.
Công tác cứu hộ, cứu nạn được thực hiện khẩn trương tại 3 căn nhà ở tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long. Mưa lũ, nhà sập khiến 9 người trong gia đình anh Cao Tiến Vỹ bị thương vong (ảnh chụp lúc 12h ngày 28/7). Ảnh: Minh Quyết – TTXVN |
Tại huyện Vân Đồn: Hồ Lòng Dinh đang thi công đã bị vỡ vai đập 30m, sâu 10m; Đảo Ngọc Vừng bị sạt lở bờ kè của hồ chứa nước dài khoảng 35m. Lồng bè nuôi trồng thủy sản bị chết 880 lồng, ước thiệt hại 88 tỷ đồng. Khu vực cầu Vân Đồn 3 bị sạt lở mái ta luy dài khoảng 400 m, khối lượng khoảng 2.000 m3; sạt lở 2 đường (200m) chia cắt thôn Nà Na và thôn Bản Sen (xã Bản Sen); cuốn trôi 500 m kè đường thôn Nà Na.
Tại huyện đảo Cô Tô: Sạt lở tại 6 tuyến đường với chiều dài 200m và 2 tuyến kè bờ biển dài 25m (đã tạm khắc phục) gây ngập lụt 14ha lúa và hoa màu, 25 hộ dân bị ngập lụt, sập đổ 1 nhà cấp 4.
Ước tổng thiệt hại từ ngày 26/7 đến nay tại tỉnh Quảng Ninh khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Mưa lớn những ngày qua khiến đất đá, cây đổ, làm gãy tuyến ống D800 Nhà máy nước Diễn Vọng, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả - tuyến ống chính cấp nước sạch cho 2 thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Mưa, lũ cũng làm vỡ nhiều tuyến ống nước của Xí nghiệp nước Cẩm Phả và nhiều trạm bơm nước bị ngập, ảnh hưởng đến kế hoạch cấp nước của Xí nghiệp nước Cẩm Phả, Xí nghiệp nước Hồng Gai.
Sáng 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Tuy nhiên do vị trí sự cố tuyến ống nằm giữa moong nước, hiện tại mưa lũ vẫn tiếp diễn nên rất khó khăn cho việc khắc phục, việc cung cấp nước có thể phải tạm ngừng trong từ 1 đến 2 tuần.
Mưa lớn kéo dài, biển động, gió cấp 6, cấp 7 cũng đã khiến 1.600 khách du lịch đang ở các đảo Quan Lạn, Cô Tô (Quảng Ninh) không thể vào bờ.
Phản ứng kịp thời
Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh dừng tất cả các cuộc họp, dốc toàn bộ lực lượng tập trung cho công tác ứng phó với cơn mưa lũ lớn nhất lịch sử trong vòng 40 năm qua. Chủ tịch UBND tỉnh đã phân công Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh xuống hiện trường, tại phường Mông Dương, khu vực xảy ra hậu quả nghiêm trọng để chỉ đạo khắc phục. UBND tỉnh đã trích dự phòng ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương; hỗ trợ 6 triệu đồng và toàn bộ chi phí mai táng cho gia đình có người chết, 3 triệu đồng đối với người bị thương.
Trực tiếp đi xuống các điểm thiệt hại nặng nề do mưa lũ như Cao Thắng, Bãi Cháy, Mông Dương... Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo các địa phương sử dụng ngay nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình bị thiệt hại.
Các lực lượng vũ trang của tỉnh đã điều động phương tiện như xe lội nước, xe chữa cháy triển khai gấp các biện pháp cứu hộ người dân.
Tại những hồ đập có nguy cơ tràn bờ, huyện Vân Đồn đã cho phá vai tràn để tiêu thoát nước, kiểm soát được tình hình. Huyện đã tổ chức sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn. Tại thành phố Hạ Long, thành phố chỉ đạo di dân, cắt điện những khu vực bị lụt để đảm bảo an toàn. Các phường bị sạt lở đổ nhà, sân, kè thì di chuyển hàng các dân về nơi trú tạm.
Ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp nhân dân tỉnh Quảng Ninh sớm ổn định cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ dân còn bị cô lập, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân bị đói, khát; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng; chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân dựng lại nhà cửa và dọn vệ sinh môi trường. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 3 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Hạn chế ngập lụt đô thị Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai rà soát, tổng hợp kiến nghị của địa phương, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân để chỉ đạo triển khai các biện pháp phù hợp hạn chế tình trạng ngập lụt cục bộ ở các đô thị khi xảy ra mưa lớn. Tại cuộc họp giao ban Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai diễn ra ngày 28/7, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị: chính quyền các địa phương không chủ quan lơ là trong ứng phó mưa lớn, đảm bảo an toàn tính mạng người dân vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Khẩn trương rà soát đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi và sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt lưu ý lũ quét, sập hầm lò và khu vực khai thác mỏ ở miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ. |