Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đến nay đã cấp đủ cho người dân vùng biển gần 3.000 tấn gạo, hơn 12,5 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp cho các tàu thuyền tạm ngừng khai thác và diện tích nuôi thuỷ sản. Đến nay, bốn huyện: Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh đã chi trả hơn 206 tỷ đồng trong tổng số 223 tỷ đồng của đợt 1 cho các đối tượng có tàu thuyền và lao động trên tàu. Đặc biệt, huyện Hải Lăng là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đã chi trả đợt 2 với trên 12,7 tỷ trong tổng số trên 20,7 tỷ đồng cho người dân bị thiệt hại.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trình bày về những khó khăn vướng mắc, như năng lực trình độ của tổ thẩm định tại các thôn, khu phố còn hạn chế nên việc xem xét, xác nhận còn thiếu chính xác dẫn đến việc kê khai, đánh giá thiệt hại còn chậm. Hệ thống văn bản chưa thống nhất còn chồng chéo khiến các địa phương gặp nhiều bất cập trong việc kê khai cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Người dân thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vinh Linh, tỉnh Quảng Trị làm thủ tục nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển. Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN. |
Một số định giá đền bù chưa phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là những đối tượng mất thu nhập, các loại lao động đều áp một giá. Còn xảy ra tình trạng, một số đối tượng nuôi trồng thuỷ sản kê khống, kê tăng diện tích và thiệt hại. Việc xác định đối tượng dịch vụ trong dịch vụ, du lịch được đền bù còn khó khăn. Hiện nay tổng số hàng tồn kho sau sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh còn hơn 1.500 tấn, 450 lít nước mắm được các cơ sở thu mua trong khoảng thời gian tháng 3-8/2016. Những mặt hàng này phần lớn bị hư hỏng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường... Song việc áp giá đền bù cũng như tiêu huỷ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục rà soát những đối tượng bị thiệt hại để điều chỉnh, bổ sung nhóm đối tượng áp giá đền bù đặc biệt với các đối tượng lao động không thường xuyên, buôn bán, dịch vụ...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ sớm phê duyệt hỗ trợ đợt 2, yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành chi trả đợt 2 trước Tết Nguyên đán 2017. Mặt khác, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai sớm các giải pháp tiêu huỷ hải sản tồn kho bị hư hỏng cũng như tháo niêm phong đối với những lô hàng đảm bảo chất lượng để tiêu thụ; tiến hành triển khai nhân rộng các mô hình chuyển đổi sinh kế hiệu hiệu quả để nhân rộng quy mô cho người dân thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện cần chi trả đúng đối tượng, kịp thời cũng như trao đổi, nắm bắt tâm tư của người dân…