Bốn mươi năm trước, với khí thế tấn công nổi dậy mùa xuân năm 19, cùng thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Nam Lào, sau khi phân tích tình hình giữa ta và địch trên các chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng Trị-Thiên. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, lệnh tấn công được phát ra từ khắp các mặt trận. Sau hơn 1 tháng tấn công, ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị, địa phương đầu tiên của miền Nam được giải phóng.
Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu sau 40 năm giải phóng. |
Bước ra khỏi chiến tranh, Quảng Trị phải gánh trên mình nhiều đau thương mất mát. Không ở đâu trên mảnh đất Việt Nam này chiến tranh tàn khốc như ở Quảng Trị. Nhưng sau 40 năm giải phóng, từ một vùng đất “bị hủy diệt 200%”, “phải đi lên từ số âm”,... như báo chí phương Tây viết, Quảng Trị đã có sự khởi sắc và đổi thay và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh Quảng Trị đã và đang huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV.
Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, là giao điểm của tuyến xuyên Việt cả về đường bộ, đường sắt, đường biển. Tỉnh có bờ biển dài 75 km, có đảo du lịch Cồn Cỏ. Trên đất liền, Quảng Trị có nhiều tiềm năng về rừng, đất đai để phát triển công nghiệp chế biến, trồng rừng và các loại cây công nghiệp dài ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Nơi đây còn là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh đồ sộ và độc đáo; có nhiều danh thắng thiên nhiên đẹp và nổi tiếng như Rú Lịnh, trằm Trà Lộc, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, các bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy,… Đặc biệt, Quảng Trị là địa phương đầu tiên trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) khi vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Trong nhiều năm qua, Quảng Trị đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trên hành lang kinh tế này. Tỉnh Quảng Trị cũng đã và đang tích cực hợp tác với các địa phương trong khu vực, các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để biến EWEC từ một hành lang “giao thông” trở thành một hành lang “kinh tế” thực thụ, thông qua việc gắn kết và thúc đẩy đầu tư để tạo nguồn hàng hóa trao đổi thương mại, dịch vụ.
Thành phố Đông Hà trên đường phát triển. |
Trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, chúng tôi cùng các cựu chiến binh ngược theo Đường 9 lên thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa). Những cựu chiến binh năm nào trực tiếp tham gia chiến đấu đã không khỏi ngạc nhiên khi những cánh rừng trơ trọi, đồi núi trọc ở hai bên đã được phủ màu xanh trở lại bởi bạt ngàn cây cao su, cà phê, hồ tiêu. Cựu chiến binh Nguyễn Xiển nói, Đường 9 năm xưa giờ đã trở thành “Đường 9 xanh”.
Bên cạnh sân bay Tà Cơn năm xưa, thủy điện Rào Quán với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng được xây dựng, cùng công trình đập thủy lợi ở Sanh Tràng đã đi vào hoạt động, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Những địa danh như Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo... bây giờ là địa chỉ của các tour du lịch, thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan và hoài niệm chiến trường xưa.
Thị trấn Lao Bảo, vùng đất nghèo nàn, giáp biên giới với nước bạn Lào vốn bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, giờ đã trở thành một đô thị năng động, phát triển, nơi cửa ngõ EWEC. Ngay giáp khu vực cửa khẩu là Trung tâm thương mại sầm uất thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được xây dựng tại vùng biên giới này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế của huyện miền núi - dân tộc Hướng Hóa trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đến nay, khu kinh tế thương mại này đã thu hút 53 dự án sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 4.000 tỷ đồng, trong đó 30 dự án đi vào hoạt động.
Một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010-2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (tính theo GDP) bình quân 5 năm tới là 12-13%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm tăng trên 17%, năm 2015 đạt 1.700 - 1.800 tỉ đồng, gấp 2 lần so với năm 2010; sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 23-23,5 vạn tấn; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm đạt khoảng 45.000 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 2,5-3%; tạo việc làm mới hàng năm cho trên 9.500 lao động; tỉ lệ độ che phủ rừng phấn đấu xấp xỉ 50%; tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh hàng năm đạt trên 75%,... |
Không riêng gì Lao Bảo, với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị, đến nay khắp các vùng quê của Quảng Trị đã có sự đổi thay rõ nét. Về vùng cát ven biển Triệu Phong, Hải Lăng xưa kia bạt ngàn cát trắng với nạn cát bay, cát lấp, từ nhiều năm nay, chương trình cải tạo vùng cát được tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện, đã biến những vùng cát hoang hóa thành những làng sinh thái, những cánh đồng nuôi trồng thủy sản. Vùng gò đồi các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, những địa phương bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, giờ bạt ngàn những rừng cao su tiểu điền và các vườn hồ tiêu, mang lại nguồn kinh tế không nhỏ cho người dân. Quốc lộ 9 - nơi nổi danh với chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) giờ trở thành con đường huyết mạch trên EWEC. Các thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo hoang tàn trong chiến tranh giờ là những đô thị đầy triển vọng nơi miền Tây Quảng Trị. Nơi đây cũng được mệnh danh là thủ phủ của cây cà phê, cây trồng làm giàu của đồng bào dân tộc Pa Cô - Vân Kiều mang họ Bác. Trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình được xây dựng như công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt, cầu Rào Quán, hệ thống đường giao thông và các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, các cụm công nghiệp - làng nghề,… được đầu tư xây dựng đã mang lại cho Quảng Trị một diện mạo mới.
Ông Lê Hữu Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là sau khi tái lập tỉnh (tháng 7/1989) đến nay, với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã nỗ lực vươn lên, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính,...
Nhờ vậy đã tạo nên những chuyển biến tích cực và toàn diện. Kinh tế của tỉnh luôn tăng trưởng khá, trong đó giai đoạn năm 2001-2011, GDP của tỉnh tăng trên 10%/năm. Từ năm 2010, tổng thu ngân sách của Quảng Trị đã vượt con số 1.000 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt luôn đạt trên 22 vạn tấn/năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ đều có chuyển biến; lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được những kết quả quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt,...
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực cho Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị xác định: Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với định hướng phát triển vùng Bắc Trung bộ, gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xây dựng Quảng Trị trở thành điểm đầu cầu giao lưu, hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong nước với các nước trong tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông, thuận lợi của các nước, các vùng lãnh thổ trên EWEC; phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, khai thác hiệu quả tiềm năng nội lực, tranh thủ tối đa cơ hội từ bên ngoài để tạo sự phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư; phát triển mạng lưới đô thị thành các trung tâm động lực, tạo hạt nhân phát triển các vùng lãnh thổ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; quan tâm sự nghiệp văn hóa - xã hội...
Phát huy sức mạnh truyền thống của quê hương, tỉnh Quảng Trị tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện tốt những chính sách ưu đãi đầu tư. Hàng loạt dự án đang được xúc tiến triển khai như: Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng Mê Công do ADB cho hai đô thị là thị trấn Lao Bảo và thành phố Đông Hà với hơn 90 triệu USD cùng với nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho các tiểu dự án ở Quảng Trị hơn 11 triệu USD; Dự án nhà máy Nhiệt điện; Quy hoạch xây dựng khu Cảng biển Mỹ Thủy; Khu kinh tế biển Đông Nam,... sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến mới, có tính đột phá, đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.
Bài và ảnh: Dương Vương Lợi