Nguyên nhân khiến lũ trên sông Ô Lâu dâng cao là trong ngày và tối 15/11, khu vực huyện Hải Lăng có mưa to đến rất to như tại Hải Chánh 305 mm, Hải Lâm 332 mm, Hải Phong 355 mm. Đến chiều 16/11, những khu dân cư vùng thấp trũng, ven sông thuộc các xã Hải Phong, Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Định, Hải Ba, Hải Thượng của huyện Hải Lăng còn hơn 1.800 nhà dân cùng 19 điểm trường học bị ngập từ 0,2 - 0,6m, trên 5.300 học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Các tuyến đường giao thông thôn, giao thông nội đồng, liên xã ở những địa phương này bị ngập lụt từ 0,2 - 0,8m; việc đi lại gặp khó khăn.
Kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Hải Lăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu địa phương tập trung triển khai công tác ứng phó mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; sẵn sàng phương án di dời bà con ở vùng bị ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn. Đặc biệt chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh ở các điểm sơ tán và vùng bị ngập sâu gây chia cắt, không để người dân bị đói rét.
Đợt mưa lũ từ ngày 13-16/11 ở Quảng Trị làm một người chết. Đó là ông L.Đ.H (sinh năm 1987, trú ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) gặp nạn khi đang dùng thuyền thả lưới đánh cá ở lòng hồ La Ngà vào tối 13/11. Thi thể nạn nhân được lực lượng chức năng tìm thấy chiều 15/11. Chính quyền huyện miền núi Hướng Hóa đang tập trung tìm kiếm vợ chồng ông Hồ Xa Lăng và bà Hồ Thị Viên cùng sinh năm 1985 trú tại thôn Hồ, xã Hướng Sơn bị mất tích nghi do lũ cuốn vào sáng 14/11 khi đi qua suối Nguồn Rào ở xã này.
Tại huyện miền núi Đakrông, Quốc lộ 15D có ta-luy dương bị sụt tại Km8+500 với khối lượng đất đá khoảng 120 m3; Tỉnh lộ 588a có khoảng 190 m3 đất, đá trên sườn núi tràn lấp mặt đường tại Km4+820 và Km5+350. Bờ các con sông và hệ thống kênh mương ở các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng bị xói lở dài hàng nghìn mét. Mưa lũ trong những ngày qua làm 123 ha cây ăn quả, rau màu ở các huyện Cam Lộ, Hải Lăng và Triệu Phong bị ngập úng.